Ủng hộ
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nói rằng, đề xuất thay đổi cách tính điểm dựa trên những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh những năm gần đây. Trước đây, trong các tiêu chí xếp loại, đánh giá học sinh có quy định các mức điểm số cụ thể đối với hai môn Toán và Ngữ văn.
Hiện nay cho phép đánh giá học sinh dựa trên điểm số ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Thời lượng học môn Ngoại ngữ ở các trường THPT hiện đã được phân bổ bằng thời lượng hai môn Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, TPHCM có một đề án phát triển ngoại ngữ, mong muốn học sinh đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận chương trình bậc đại học ở các nước, có thể du học.
TS Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, cho rằng, việc bỏ nhân đôi điểm thi hai môn Toán, Ngữ văn trong xét tuyển là phù hợp xu thế và đáng ra phải làm từ lâu. “Trong chương trình giáo dục phổ thông, khi xếp loại học sinh ở mỗi học kỳ và cuối năm, các môn học được tính điểm đồng đều như nhau, không có môn nào nhân hệ số, vậy tại sao trong thi tuyển lại nhân hệ số?
Đó là không công bằng, không hợp lý, ít nhiều sẽ gây tâm lý học lệch cho các em”, ông Phát nói. Chị Nguyễn Thị Lan, có con học lớp 9 Trường THCS Gò Vấp, cho rằng, việc nhân hệ số chỉ nên thực hiện ở những địa phương khó khăn, phát triển không đồng đều, với TPHCM thì nên bỏ. Em Nguyễn Đăng Khoa, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nói: “Ở trường, chúng em được học môn Anh văn khá bài bản, thời gian học cũng ngang bằng với các môn học khác. Bên cạnh đó, lớp em hầu như bạn nào cũng học thêm Tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ nên việc thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến em”.
Lo lắng
Do kỳ thi đang cận kề (dự kiến diễn ra đầu tháng 6) nên đề xuất thay đổi cách tính điểm thi cũng khiến không ít học sinh, phụ huynh, nhà trường lo lắng. Chị Trần Quỳnh Anh, có con học lớp 9 Trường THCS An Phú Đông (quận 12), bày tỏ: “Dù đi học thêm ở trung tâm, nhưng con tôi không có lợi thế về môn Tiếng Anh nên ngay từ đầu, tôi hướng cho con tôi học tốt các môn Toán, Văn để bù lại”. Theo chị, việc điều chỉnh cách tính điểm nếu được công bố từ đầu năm thì sẽ hay hơn vì những học sinh như con chị có thêm thời gian điều chỉnh việc học các môn.
Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Củ Chi nói rằng, học sinh một số khu vực vùng ven, ngoại thành như Củ Chi ít nhiều sẽ thiệt thòi bởi chất lượng môn Tiếng Anh chưa cao, trung tâm ngoại ngữ cũng không nhiều. “Nếu đề xuất này được chấp nhận thì nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp sư phạm để điều chỉnh lịch ôn tập cho các em, trong đó ưu tiên tăng tiết môn Tiếng Anh”, vị hiệu trưởng nói.
Bà Lương Du Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Cách mạng Tháng 8 (quận 10), nói rằng, nếu đề xuất thay đổi cách tính điểm thi được chấp thuận, nhà trường sẽ phân tích lại phổ điểm, tư vấn lại cách chọn trường, điều chỉnh thời gian ôn tập giữa các môn…