Dù Văn Miếu - Quốc Tử Giám đóng cửa để phòng dịch COVID-19, nhưng 8 giờ sáng 11/6, chị Nguyễn Thị Thoa vẫn chở con gái đến vái vọng cầu may trước kỳ thi. Chị nói rằng, năm nay con đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Đống Đa, năng lực học của con ở mức trung bình khá, cùng với đó, do dịch bệnh, phải nghỉ học nên không được thầy cô ôn luyện nhiều. Những ngày gần thi, con vẫn học đến 1-2 giờ sáng, đêm qua mẹ chỉ cho thức đến 10 giờ tối. “Tôi nói với con, nếu con thi đỗ, mẹ cho học, còn không con phải đi học nghề, gia đình không có điều kiện cho con học trường tư”, chị nói.
Một phụ huynh ở quận Tây Hồ năm nay có con đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng ngày 11/6 cho biết, cách kỳ thi khoảng 1 tháng, chị ngồi bàn học cùng con. Toán khó chị không làm được, còn Ngoại ngữ, Ngữ văn và Lịch sử, con luyện đề, mẹ chấm. “Hôm qua, hai mẹ con vẫn thức đến 12 giờ đêm vật lộn với bộ đề, căng thẳng vô cùng. Nếu trượt nguyện vọng này, nguyện vọng 2 là một trường cách nhà tới 8 cây số rất khó khăn cho đưa đón là điều gia đình không mong muốn”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu ở quận Tây Hồ cho biết, con trai Đoàn Gia Khánh, học sinh Trường THCS Thăng Long, căng thẳng đến chực khóc. Những ngày trước kỳ thi, chị không đêm nào ngủ ngon, luôn mơ đến những bài kiểm tra, điểm số. Năm nay, con đăng ký các nguyện vọng vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Sư phạm, Chuyên Anh - THPT Chu Văn An và Trường THPT Phan Đình Phùng. “Trước kỳ thi thấy con áp lực quá, mình đã viết một lá thư tay nói với con, mong ước lớn nhất đối với mẹ là sức khỏe, niềm vui của con. Ngày mai lỡ con có làm bài không tốt, mẹ vẫn sẽ mỉm cười nói rằng mình thiếu một chút may mắn”, chị tâm sự.
Huy động nhiều lực lượng làm thi
Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, điểm trưởng điểm thi THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), cho biết, trước ngày thi, tất cả cán bộ, giáo viên học quy chế kỳ thi và thực hiện giãn cách, không bật điều hoà trong điều kiện thời tiết khá nóng. Đề thi được vận chuyển về điểm thi từ hôm trước, có phó trưởng điểm thi và lực lượng công an bảo vệ điểm thi, đề thi. Phòng chứa đề thi được lắp camera giám sát 24/24h. Để tổ chức kỳ thi an toàn, ngoài cán bộ, giáo viên làm thi còn có sự hỗ trợ của các lực lượng công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, điện lực, thanh niên tình nguyện…
Năm nay, Hà Nội có hơn 107.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Sau khi phân luồng còn hơn 93.000 thí sinh thi tuyển vào lớp 10 công lập, trong khi sẽ chỉ có khoảng 57.660 học sinh có suất học (62%). Số còn lại (hơn 35.000 thí sinh) sẽ có các lựa chọn khác như học tại THPT ngoài công lập, trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Năm nay, kỳ thi sẽ không tổ chức lễ chào cờ, do đó thí sinh đến điểm thi được hướng dẫn lên thẳng phòng thi. Điểm thi bố trí 2 điểm chờ cho phụ huynh có nhu cầu chờ con cách trường 50 mét để tránh tụ tập đông người trước cổng. Trước đó, phòng thi, khuôn viên đều được phun khử khuẩn, trang bị thêm nước sát khuẩn ở cổng điểm thi, mỗi phòng thi. Sau mỗi ngày thi, phun khử khuẩn điểm thi thêm một lần nữa. “Những năm trước, mỗi buổi thí sinh chỉ thi một môn, năm nay, trong một buổi thí sinh thi 2 môn nên lực lượng làm thi, giám sát thi phải thực hiện nhiều thao tác. Cán bộ giám sát cũng đi kiểm tra liên tục, sẽ vất vả hơn”, bà Quỳnh nói.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, ông Nguyễn Văn Hậu, cho biết, địa phương không có thí sinh F1, F2 nên trước kỳ thi, tất cả thí sinh đã được học tập quy chế, khai báo y tế đầy đủ. Giám thị coi thi ở tất cả điểm thi được test nhanh COVID-19, mỗi điểm thi có đến 8 nhân viên y tế ở cả vòng trong và vòng ngoài hỗ trợ đo thân nhiệt và xử lý các tình huống phát sinh.