Thi tuyển công chức bằng trắc nghiệm

Hàng nghìn thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: Bá Đô.
Hàng nghìn thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế Hà Nội năm 2014. Ảnh: Bá Đô.
Nội dung thi trắc nghiệm gồm ba phần với 120 câu hỏi, trong đó phần kiến thức chung có 60 câu hỏi thi trong 60 phút.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 161/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định mới sửa đổi nhiều điểm, trong đó có môn thi và hình thức thi; điều kiện miễn thi một số môn; cách tính điểm...

Cụ thể, người thi tuyển công chức phải trải qua hai vòng thi trắc nghiệm và nghiệp vụ chuyên ngành. Phần thi trắc nghiệm thực hiện trên máy vi tính. Nếu cơ quan tuyển dụng không có điều kiện thì làm trên giấy. 

Nội dung thi trắc nghiệm gồm ba phần với 120 câu hỏi. Kiến thức chung có 60 câu về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức. Thời gian thi 60 phút.

Ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Thời gian thi 30 phút. 

Tin học gồm 30 câu hỏi theo với thời gian thi 30 phút. Nếu phần thi trắc nghiệm thực hiện trên máy vi tính thì thí sinh được miễn phần thi này.

Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ hoặc tin học, thí sinh được miễn phần thi tương ứng.

Ngoài ra, thí sinh được miễn thi ngoại ngữ trong các trường hợp: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; người dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận.

Thí sinh không phải thi tin học khi có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên. 

Trả lời đúng từ 50% câu hỏi cho từng phần thi, thí sinh được dự tuyển vòng 2. Cơ quan tuyển dụng phải thông báo kết quả ngay khi kết thúc vòng thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Đối với bài thi trên giấy, chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc thi phải hoàn thành chấm thi; công bố kết quả sau 5 ngày tiếp theo. Việc phúc khảo chỉ áp dụng với bài thi trên giấy.

Vòng hai thi nghiệp vụ chuyên ngành có nội dung là kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển. Đề thi chuyên ngành do cơ quan tuyển dụng xây dựng phù hợp với từng vị trí việc làm.

Hình thức thi là phỏng vấn hoặc viết. Thời gian thi phỏng vấn 30 phút với thang điểm 100. Thời gian thi viết 180 phút. Nếu thi phỏng vấn sẽ không thực hiện phúc khảo.

Người trúng tuyển công chức phải có đủ các điều kiện: Kết quả điểm thi vòng hai đạt từ 50 trở lên; số điểm vòng hai cộng điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Nếu có hai người trở lên bằng điểm nhau ở chỉ tiêu cuối cần tuyển thì người có điểm thi vòng hai cao hơn trúng tuyển. Nếu vẫn không xác định được thì lãnh đạo cơ quan tuyển dụng quyết định.

Kết quả thi công chức không được bảo lưu cho kỳ tuyển dụng sau. Nghị định có hiệu lực từ 15/1/2019.

Trước đó, Nghị định 24 của Chính phủ ban hành năm 2010 quy định thi tuyển công chức bao gồm hai môn thi. Kiến thức chung là thi viết một bài về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng.

Nghiệp vụ chuyên ngành gồm một bài thi viết và một bài thi trắc nghiệm theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.