NHNN nới biên độ USD/VND:

Thị trường vàng, USD sốt sình sịch

Thị trường vàng, ngoại tệ nhảy múa tức thì sau quyết định nới biên độ USD/VND từ +/_1% lên +/_2% của NHNN. Ảnh: Ngọc Châu.
Thị trường vàng, ngoại tệ nhảy múa tức thì sau quyết định nới biên độ USD/VND từ +/_1% lên +/_2% của NHNN. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Không hoang mang, hốt hoảng hay vội vã chạy đi mua vàng, bán USD, rút tiền gửi tiết kiệm như đợt sốt ngoại tệ trên thị trường những năm trước. Tuy nhiên, việc đột ngột nới biên độ tỷ giá USD từ 1% lên 2% vào sáng 12/8 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đủ khiến thị trường ngoại hối và vàng trong nước sốt sình sịch; còn người dân và doanh nghiệp thì lo lắng…

Đô la vọt ngưỡng 22.000 đồng, vàng nhảy múa

“Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 đồng mỗi USD, giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng (sàn) đến 22.106 đồng (trần)”, thông tin này chính thức phát đi sáng nay. Ngay lập tức, hệ thống ngân hàng phản ứng dây chuyền.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hoàng Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Học viện Ngân hàng nhìn nhận: Trong điều hành tỷ giá, nếu sử dụng biện pháp phá giá VND thì sẽ gây “tiêu cực”.  Còn với cách xử lý “nới” biên độ như thế này thị trường sẽ nhìn nhận linh hoạt hơn. “Điều chỉnh tăng biên độ có thể coi đây là xử lý khéo nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Còn thị trường tự do thì bao giờ cũng có phản ứng hơi quá lên nhưng tôi tin vài ngày sau sẽ trở lại ổn định”.  

Bà Hoàng Anh 

Vietcombank  niêm yết tỷ giá USD/VND tăng 5 đồng cả hai chiều mua vào- bán ra lên 21.785 đồng/USD- 21.845 đồng/USD. Vietinbank cũng với mức tăng tương tự cả hai chiều, đưa niêm yết lên 21.960- 22.040 đồng/USD. Còn BIDV niêm yết 21.970 đồng/USD- 22.040 đồng/USD, tăng 170 đồng chiều mua và 200 đồng chiều bán. Techcombank ở mức 21.770 đồng/USD- 21.860 đồng/USD. Ngân hàng HSBC mức 21.770- 21.870 đồng/USD tăng 20 đồng cả hai chiều mua và bán.

Cú “nới” biên độ tỷ giá USD từ 1% lên 2% cũng lập tức khiến thị trường USD chợ đen tại Hà Nội phản ứng.

Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ phố Hà Trung xuýt xoa: “Ngay khi nhận tin, một tổng đại lý lớn báo qua điện thoại cho tôi giá USD lên thêm 100 đồng so với ngày hôm trước. Tiếc quá, ngày hôm qua (tức 11/8) giá USD rất rẻ chỉ có 21.870- 21.920/USD mua vào bán ra. Còn với bước giá mới, mặt bằng USD chợ đen  vọt lên mức 22.000 – 22.070 đồng/USD (mua vào – bán ra)”.

Ăn theo tỷ giá, trong nước vàng SJC đã có cú tăng ngoạn mục khi đắt thêm tới 540.000 đồng/lượng so với buổi sáng, đẩy giá vàng lên mức tăng tới 800 ngàn đồng/lượng chỉ trong một ngày. Theo đó, cuối ngày 12/8, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI chốt lên mức: 33,52 – 33,72 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.  Đáng ngạc nhiên là bất chấp  giá vàng liên tục nhảy múa với hàng chục lần, người dân Hà Nội vẫn tấp nập đi mua vào.

Chiều 12/8, tại con phố Trần Nhân Tông, chị Thanh Thuý (Hoàng Mai, Hà Nội) tất tưởi vào cửa hàng vàng bạc Phú Quý. Chị Thuý nói: “Tôi vay 10 cây vàng và đến thời kỳ phải trả. Biết thế này tôi mua vàng từ sáng. Không ngờ, giá trong ngày được điều chỉnh tăng đến gần 1 triệu đồng/lượng như vậy”. Đại diện cửa hàng vàng bạc Phú Quý cũng nhận định, cứ đà tăng này, giá vàng sẽ  chả mấy lại quay lên mốc 34 triệu đồng/lượng. Còn phụ trách tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu thì cho biết, ngày 12/8, lượng khách mua vào chiếm 80% lượng khách bán ra.

“Lách” tăng tỷ giá?

Biên độ hẹp +/-1% được duy trì gần 5 năm qua. Khi đó, NHNN cho rằng, quyết định hạ biên độ tỷ giá sẽ là công cụ hạn chế biến động quá lớn của tỷ giá giao dịch trong ngày, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Còn với lần bất ngờ “nới” trở lại lên +/_2% này,  NHNN khẳng định muốn “mở” ra một cơ hội để thị trường linh hoạt trước những biến động đến từ thế giới.

Cụ thể, trong thông tin phát đi sáng 12/8, NHNN nhấn mạnh: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất, suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao...”. Đặc biệt hơn, nhà điều hành nhấn mạnh: Việc đồng Nhân dân tệ (CNY) được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8 – kéo theo mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế bị kéo theo sụt giảm.

“Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam”- NHNN cho biết.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phụ trách nguồn vốn phân tích: “NHNN đã cam kết không điều chỉnh. Tuy nhiên, với những biến động ngoài tầm kiểm soát bên ngoài quốc gia thì sức ép lên tỷ giá rõ là đang có thật. Xử lý thế này về mặt bản chất là đã lách khéo “bật đèn xanh” cho thị trường tăng giá USD, nhưng ít nhất vẫn giữ được lời hứa không phá giá tiền đồng một cách chính thức. Nói chung đây là tình huống tình thế và trong điều hành, tôi nghĩ không có cách thứ hai lựa chọn”- vị này nói.

MỚI - NÓNG