Thị trường vàng thế giới năm 2011: Một năm đầy biến động

Thị trường vàng thế giới năm 2011: Một năm đầy biến động
TPO -Khép lại năm 2011, vàng thế giới tăng thêm 12%, đánh dấu năm tăng giá thứ 11 liên tiếp. Đây cũng được xem là năm đầy biến động của vàng khi tăng lên mức cao nhất và cũng giảm mạnh từ mức cao nhất.

 > Giá vàng giảm sâu, lực mua vàng miếng tăng

Vàng thế giới đã trải qua một năm đầy biến động
Vàng thế giới đã trải qua một năm đầy biến động.

Tăng liên tiếp trong chín tháng lên mức kỉ lục

Sau khi kết thúc một thập kỉ tăng liên tiếp: từ năm 2001 đến năm 2010, các chuyên gia trên thế giới bắt đầu hoài nghi về khả năng kim loại quý sẽ duy trì xu hướng đi lên trong năm 2011. Trong khi đó, hậu khủng hoảng tài chính tín dụng nổ ra từ năm 2008, cũng được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ sau Đại khủng hoảng 1930, Hoa Kỳ - nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn với tốc độ phục hồi yếu kém.

Đột ngột đảo chiều

Câu chuyện tăng giá của vàng có lẽ sẽ được viết tiếp nếu nó không đột ngột đảo chiều sau đó. Từ vùng giá kỉ lục 1.900USD/Oz đạt được đầu tháng 09, kim loại quý đã lao dốc về cận khu vực 1.500USD/Oz chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2011, tức giảm gần 21%, theo thống kê của hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ).

Theo nhận định của giới chuyên môn, vàng giảm do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hoạt động bán vàng chốt lời, điều chỉnh về mặt kỹ thuật, khối lượng giao dịch thấp thời điểm cuối năm…mà nguyên nhân chính là do sự mạnh lên của đồng USD.

Tình hình sản xuất tại các cường quốc mới như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ…cũng có dấu hiệu chậm lại thậm chí giảm. Tại châu Âu, khủng hoảng nợ công bùng nổ tại Hy Lạp sau đó lần lượt lan sang các quốc gia khác trong khu vực, kể cả các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, …

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều lần họp bàn, đã viện đến sự hỗ trợ của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) cùng bắt tay hạ nhiệt cơn khát vốn của hệ thống ngân hàng châu Âu cũng như góp phần giải quyết khủng hoảng nợ ngày một leo thang tại nhiều quốc gia thành viên.

Nhu cầu đầu tư và tích trữ vàng lúc này tăng mạnh hơn bao giờ kết, khi giới đầu tư quốc tế không còn tin tưởng vào các loại tiền tệ quốc tế khác cũng như giá trị của các kênh đầu tư khác ngoài vàng như: hàng hóa, chứng khoán…Đây cũng là một trong những lý do chính giúp vàng duy trì đà tăng trong gần chín tháng đầu năm 2011.

Đặc biệt là giai đoạn “tăng nóng” từ tháng 7 đến tháng 9, khi vàng tương lai giao dịch trên thị trường New York (Mỹ) liên tiếp lập mức kỉ mục mới. Đỉnh điểm là ngày 6-9, vàng thế giới chinh phục mức 1.923,70USD/Oz , đây được xem là mức cao nhất trong lịch sử giá vàng.

USD lên ngôi

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đồng USD vẫn được ưa chuộng hơn các loại tài sản khác, bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể khiến tỉ lệ lạm phát tăng cao và cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor giảm hạn mức tín dụng của Hoa Kỳ.

Đồng euro đã giảm năm thứ hai liên tiếp so với đồng USD, khi lãi suất trái phiếu chính phủ khu vực châu Âu tăng lên mức kỉ lục do nợ công tại nhiều quốc gia trong khối Eurozone tăng vượt mức kiểm soát.

Trong lịch sử 13 năm tồn tại, đồng tiền chung của 17 quốc gia châu Âu đã giảm dưới 100 yen lần đầu tiên từ năm 2001 sau khi thị trường trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha và Ý – cũng là thị trường trái phiếu lớn thứ ba thế giới, trải qua một năm tồi tệ nhất từ năm 1992.

Đồng franc Thụy Sỹ cũng tăng mạnh so với hầu hết các loại tiền tệ quốc tế khác. Giá trung bình của Yen Nhật cũng tăng mạnh nhất so với USD, dù Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) đã ba lần can thiệp để hạ giá tiền tệ trong nước.

Lần đầu tiên là trong phiên họp của nhóm các nước phát triển G7 ngày 18-3 năm nay, đại diện BOJ công bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để hạ giá đồng yen. Lần thứ hai là ngày 4-8, BOJ bán ra 4,5 nghìn tỷ yen và trong khoảng thời gian từ ngày 28-10 đến 28-11, trong lần can thiệp thứ ba, BOJ đã bán ra một lượng đồng yen kỉ lục là 9,09 nghìn yen (tương đương 120 tỷ USD).

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm, đồng euro đã giảm 3,2% , đưa tỷ giá EUR/USD giảm còn 1,2961. Trước đó, cặp tỷ giá này đã tăng lên mức kỉ lục 1,4940 vào ngày 04-05 do thị trường dự đoán Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) có thể tăng lãi suất cho vay cơ bản, sau đó nó chạm mức thấp nhất trong năm là 1,2858 vào ngày 29-12, trước sự thông tin ECB “bơm” thêm tiền vào hệ thống ngân hàng khu vực.

Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với sáu loại tiền tệ cơ bản khác đã tăng 1,6% lên 80,025 – mức tăng kỉ lục từ năm 2000-2001 đến nay. Tỉ lệ dự trữ ngoại hối bằng đồng USD tăng lên 61,7% trong quý kết thúc vào ngày 30-9 – đây là mức tăng cao nhất kể từ quý 4-2010. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối bằng đồng euro giảm còn 25,7% - mức thấp nhất từ tháng 7-2008.

Vàng sẽ tiếp tục tăng?

Trong sáu năm qua, giá kim loại quý đã tăng gần gấp sáu lần, nhưng sự tăng giá của đồng USD từ tháng 08 cộng với việc vàng mất giá đã khiến nhiều người không còn lạc quan về đà tăng của kim loại quý. Tuy nhiên nhiều chuyên gia dự đoán vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012, dù sẽ có nhiều biến động bất ngờ.

Bart Melek, trưởng nhóm đầu tư hàng hóa tại TD Securities Inc, Nhật Bản, nhận định vàng sẽ dao động quanh khu vực 1.550USD/Oz trong quý 1-2012, do thời gian này, nhiều người vẫn tin tưởng vào đồng USD hơn nhiều loại tài sản khác, trong khi khủng hoảng nợ tại châu Âu vẫn chưa tìm được lối ra và nhu cầu vàng tại hai thị trường tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc đã có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên quanh mức 2.100USD/oz trong quý 4-2012 sau khi khủng hoảng nợ lắng dịu và chính phủ các nước sẽ đề ra các biện pháp kích thích kinh tế phát triển.

Theo Viết
MỚI - NÓNG