Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2024: Các chủ thể phải tuân thủ… 'luật chơi'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều sóng gió, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 được dự báo sẽ vận hành với một khung pháp lý rất hoàn thiện và chặt chẽ. Thị trường thay đổi về chất thế nào, các chủ thể tham gia phải tuân thủ “luật chơi” ra sao? Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ

Năm 2023 ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN. Điều này đã góp phần giúp thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực. Xin ông đánh giá về những chuyển biến của thị trường TPDN?

Ông Nguyễn Đức Chi: Sau vụ việc của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, thị trường TPDN biến động mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới. Kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong, ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để điều chỉnh lộ trình áp dụng một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”. Hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu cân đối lại dòng tiền, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Từ Quý II/2023, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng.

Theo Bộ Tài chính năm 2023 có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 235,9 nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng thương mại chiếm 54,5%. Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8%. Các doanh nghiệp cũng mua lại 230.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.

Doanh nghiệp tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn. Theo đó, khối lượng mua lại TPDN năm 2023 gần 230.000 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2024: Các chủ thể phải tuân thủ… 'luật chơi' ảnh 1

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng được phát triển trở lại

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường như chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường TPDN. SGDCK chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp... Đồng thời Bộ Tài chính đã giao UBCKNN làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này.

Thay đổi “chất” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, sau thời gian phát triển nóng, đây chính là thời điểm để thay đổi “chất” cho thị trường TPDN. Năm 2024, Bộ có những giải pháp trọng tâm nào để tăng “chất” cho thị trường trong thời gian tới, thưa ông ?

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển”.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi

Ông Nguyễn Đức Chi: Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN. Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác… đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN. Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và đơn vị chức năng tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm (nếu có).

Cũng sang năm 2024, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bắt buộc xếp hạng tín nhiệm bắt đầu được áp dụng, Theo ông, việc áp dụng các quy định này sẽ có tác động như thế nào tới thị TPDN?

Ông Nguyễn Đức Chi: Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Để duy trì nhu cầu mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy đủ thời gian 180 ngày theo quy định tại Nghị định số 65 và thị trường có thêm thời gian điều chỉnh, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng thực hiện quy định nêu trên tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023.

Đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai Nghị định số 08, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này. Ngoài ra, pháp luật chứng khoán còn quy định các cách khác để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân đang được thực hiện như: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng. Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65 sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN.

Về quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, hiện nay Bộ Tài chính đã cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 3 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật. Trong đó, có 1 doanh nghiệp có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Moody’s, 2 doanh nghiệp còn lại đang có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật từ S&P và Fitch. Hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, bổ sung thêm công cụ cho nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro và lựa chọn các sản phẩm tài chính phù hợp.

Các chủ thể tham gia phải chung tay

Ông có khuyến nghị gì đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư cũng như góp phần phát triển bền vững thị trường TPDN?

Ông Nguyễn Đức Chi: Tôi cho rằng để phát triển bền vững của thị trường TPDN cần sự chung tay góp sức không chỉ từ phía chính sách quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch…để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Khi tham gia mua và giao dịch TPDN, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin, đánh giá kỹ tình hình tài chính phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn…. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu.

Các tổ chức trung gian cung cấp các dịch vụ phát hành TPDN cần tuân thủ quy định của pháp luật. Các tổ chức tư vấn phát hành có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật và không được tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin sai sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm cho nhà đầu tư về trái phiếu tại hồ sơ chào bán. Các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, đảm bảo không có nội dung để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa việc mua TPDN và gửi tiền tại tổ chức tín dụng; không được chào mời, hỗ trợ nhà đầu tư không thuộc đối tượng nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ…

Cảm ơn Thứ trưởng!

MỚI - NÓNG