Thị trường thức ăn chăn nuôi: Thất thế vì đói vốn

Thị trường thức ăn chăn nuôi: Thất thế vì đói vốn
TP - DN nước ngoài đang thống lĩnh trong ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp ở Việt Nam trong khi DN nhỏ trong nước đói vốn và bị “móc túi” ở nhiều khâu, khiến giá thành TACN ở Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước.

> Tràn lan vi phạm về thức ăn bổ sung
> Phát hiện 5 tấn thức ăn dinh dưỡng gia súc không rõ xuất xứ

DN FDI chiếm 56% thị phần

Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, hiện cả nước có 234 DN TACN, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, DN đang hoạt động sản xuất trực tiếp. Kinh doanh gặp khó, có 40 nhà máy, chủ yếu là của người Việt Nam, đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Các nhà máy có sản lượng nhỏ, dưới 50 nghìn tấn/năm trở xuống (chiếm 67%) phần lớn là của các ông chủ người Việt. Loại 50.000 tấn/năm trở lên, hầu hết của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và liên doanh, số doanh nghiệp có sản lượng này chỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN cho biết, hiện các doanh FDI đang thống lĩnh trong ngành công nghiệp TACN Việt Nam, với những cái tên như C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ)....

Dù chỉ có 15 doanh nghiệp FDI và liên doanh, nhưng những đơn vị này sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi, và chiếm tới 56,2% thị phần cả nước. Các nhà máy sản xuất TACN của doanh nghiệp FDI có sản lượng khoảng 135.000 tấn/năm, trong đó nhà máy lớn nhất tới 830.000 tấn/năm.

Theo ông Lịch, vài năm gần đây, một số doanh nghiệp nội, do nắm bắt được thời cơ, đã vươn lên, có tiếng nói trong giới sản xuất TACN. Có 9 tập đoàn, tổng Cty, Cty tư nhân và cổ phần trong nước sở hữu 24 nhà máy sản xuất TACN, tổng sản lượng trên 3,13 triệu tấn/năm, chiếm 24,6% thị phần cả nước. Nhiều cái tên nổi bật là Cty CP Tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh), Cty CP Việt Pháp Proconco, Cty Hồng Hà (Hà Nam), Cám VINA...

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành TACN Việt Nam đang có mức tăng trưởng mà ít ngành có được từ 13-15% mấy năm nay.

Với sản lượng 15,5 triệu tấn, ngành sản xuất TACN công nghiệp Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 thế giới. Hàng năm, Việt Nam nhập khoảng trên dưới 8 triệu tấn nguyên liệu TACN từ 63 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mức tăng trưởng cao chủ yếu nằm ở các DN ngoại, còn các DN vừa và nhỏ trong nước tăng trưởng không đáng kể. Với việc nhiều DN FDI thống lĩnh trong ngành TACN, đây cũng điều thuận lợi để DN Việt Nam học kinh nghiệm trong đầu tư công nghệ sản xuất, tổ chức quan lý, kinh doanh và kinh nghiệm xây dựng thị trường nông thôn.

Giá TACN Việt Nam cao nhất thế giới?

Hiệp hội TACN Việt Nam, cho biết năm 2012 Việt Nam phải chi trên 3 tỷ USD, để nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu về sản xuất TACN. Trong đó, có 3,3 triệu tấn khô đậu tương, 2,4 triệu tấn lúa mỳ, 1,6 triệu tấn ngô, hơn 426.000 tấn bột thị xương... Trong năm vừa rồi, do nhiều nguyên liệu tăng giá, khiến giá TACN trong nước bị đẩy lên cao. Không ít người đặt câu hỏi, giá TACN Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới?

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho biết, lãi suất ở Việt Nam bình quân 15%, cho nông nghiệp thấp nhất là 10%, mà vay không phải dễ, phần này sẽ khiến giá TACN cao lên.

“Trong khi đó, ở Thái Lan lãi suất chỉ 3%, Mỹ 0,5%, Trung Quốc 5%... với mức đó, họ chỉ đưa tiền vào Việt Nam, không cần làm đã ăn lãi gần chục phần trăm rồi. DN Việt Nam nhỏ, lại đói vốn, chẳng khác nào đem trứng chọi đá với các DN FDI”- ông Lý nói.

Theo các DN TACN, giá nguyên liệu trước khi về cảng của DN Việt Nam và Trung Quốc không chênh nhau mấy, nhưng sau khi qua cảng ở ta là đội lên rất lớn.

“Giá ở Việt Nam cao là do nhũng nhiễu, hạ tầng kém, và sự gây khó khăn ở của các cơ quan chức năng ở cửa khẩu. Không thể nói là không có tiêu cực ở đây”- Đại diện một DN nói.

Trước các ý kiến trên ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Tôi không nghĩ giá TACN Việt Nam lại đắt nhất thế giới. Chúng ta chỉ đắt hơn Thái Lan, Trung Quốc khoảng 5-10%, nhưng lại thấp hơn Philippines, Indonesia... Nhưng tại sao giá thành sản phẩm chăn nuôi của ta cao? Nếu nuôi trong dây chuyền công nghiệp, chỉ cần 2,2-2,4 kg cám được 1 kg thịt, nhưng nếu lợn nuôi trong dân phải cần tới 2,8-3kg cám, vấn đề là ở phương thức ăn nuôi nữa”.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá thành chăn nuôi cao, còn nhiều yếu tố khác, như chi phí về thú y bình thường chỉ 3-4%, nhưng nay tăng 5-7%, thậm chí có thể 10%. Chi phí cho giống cũng 10%.... thì nông dân lấy đâu lãi nữa.

Ông Dương cũng kiến nghị, nên bỏ mức thuế VAT 5% đối với TACN, vì hiện nhiều nước không áp dụng nữa.

“Thực tế, mức VAT đó người dân không tiếp cận được, vì đi mua chỉ chục cân cám, làm gì có hóa đơn đỏ để khấu hao đầu vào, dân chịu thiệt thòi khi phải gánh 5%. Đây cũng là một nguyên nhân đẩy chi phí giá TACN lên cao”- ông Dương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.