Thị trường sách giáo khoa: Cần sân chơi công bằng

Làm thế nào để SGK trở thành sân chơi công bằng cho các NXB? Ảnh: Như Ý
Làm thế nào để SGK trở thành sân chơi công bằng cho các NXB? Ảnh: Như Ý
TP - Về mặt nội dung, SGK phải được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi đưa vào trường học; về phát hành, SGK phải là một mặt hàng đặc biệt. Vậy làm thế nào để SGK trở thành một "sân chơi" công bằng, minh bạch, công khai cho các NXB?

Chuyện cũ, bài học mới

Một cuốn SGK cõng thêm mấy cuốn sách tham khảo không phải là chuyện mới của riêng năm nay. Vấn đề là với SGK mới, câu chuyện vẫn lặp lại với kịch bản cũ. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, Bộ GD&ĐT không thiếu văn bản chỉ đạo về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Nhưng đến đầu năm học, như luật bất thành văn, tình trạng bán “bia kèm lạc” vẫn xảy ra đối với SGK.

Vấn đề viết SGK, phát hành SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa qua cũng có những lùm xùm, chệch choạc. Trong 5 bộ SGK lớp 1 mới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) có 4 bộ. Chuyện trả lương hằng tháng cho cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM tham gia viết SGK của NXB GDVN cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn sách của địa phương này. GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, NXB GDVN chi tiền thù lao cho một số cán bộ quản lý từ năm 2015 là hành động không minh bạch bởi khi đã nhận tiền mà không tham gia biên soạn sách thì đến lúc chọn sách, không thể “làm ngơ” bộ đó được dù cuốn khác chất lượng tốt hơn. Sở GD&ĐT TPHCM khó có thể giải thích khi bộ sách Chân trời sáng tạo mà lãnh đạo, cán bộ của Sở này được NXB GDVN trả tiền thù lao cũng là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ lớn tại đây.

Vấn đề nữa mà GS Dong lo lắng là khi TPHCM làm như vậy thì các địa phương khác cũng có thể làm tương tự, tức là cũng kết hợp với một NXB để làm riêng một bộ sách cho địa phương mình. Lý do là mỗi địa phương đều có đặc thù nên cần viết riêng một bộ sách cho phù hợp với học sinh của mình. Dần dần, quyền quản lý sẽ tuột khỏi tay Bộ GD&ĐT và chuyển giao về các địa phương. Việc quyết định chọn sách sẽ không còn vì chất lượng của cuốn sách đó mà vì những vấn đề không minh bạch khác như ăn chia tiền biên soạn, in ấn… Như vậy, sẽ sai mục tiêu ban đầu là cần bộ sách chuẩn khi xã hội hóa SGK… Mỗi địa phương không thể đào tạo ra một thế hệ theo quan điểm của riêng địa phương mình.

Hơn nữa, theo GS. Dong, việc viết sách là vấn đề khoa học, cụ thể là giáo dục kết hợp với các khoa học khác để viết ra một cuốn sách. Nhưng hiện nay, các NXB vừa viết sách, vừa in vừa phát hành, tiêu thụ… quy trình khép kín như vậy thì khó để có giá sách cạnh tranh… GS. Dong lấy ví dụ TPHCM, quy mô học sinh phổ thông của địa phương này chiếm khoảng 1/4 của cả nước. Vì vậy, TPHCM cũng là thị trường lớn nhất trong việc tiêu thụ SGK.

Cần phá thế “độc quyền”

TS. Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (Đức), chuyên gia quốc tế cho rằng, việc NXB GDVN “rải mành mành” nhân lực để viết 4/5 bộ sách dẫn đến thực trạng có những môn, có những đầu sách không có người đầu ngành tham gia viết nên chất lượng chưa thật sự như mong đợi. Kinh nghiệm từ thực tế này, đối với SGK lớp 2, theo TS. Cường, NXB GDVN rút xuống chỉ còn tham gia thẩm định 2 bộ, SGK lớp 6 cũng tương tự. Quan sát thực tế tại Việt Nam, TS. Cường nói rằng, hiện vẫn chưa có sự tham gia của các NXB tư nhân vào sân chơi SGK do đó, thời gian tới, cần có chính sách tốt hơn để thúc đẩy họ ngồi cùng “mâm” với các NXB công. Theo tìm hiểu của phóng viên, SGK lớp 2 và lớp 6 chương trình mới sẽ thay sách vào năm 2021. Ngoài 3 NXB đã tham gia viết SGK lớp 1 (NXB GDVN, NXB Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TPHCM) có thêm NXB ĐH Quốc gia TPHCM.

Trong khi đó, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, ngành giáo dục đang thiếu những quy chuẩn về SGK dẫn đến khi điều chỉnh một vài vấn đề như: khổ sách, chất lượng giấy, mầu in…, các NXB đã kê khai tăng giá “phi mã” đối với SGK lớp 1 mới. Thực tế, kích thước, chất lượng giấy, màu in của SGK hiện hành đã bảo đảm tốt việc dạy học nhiều năm qua thì SGK mới không cần thiết phải thay đổi nhiều để tăng giá quá cao. SGK tiếng Anh lớp 1 mới là môn tự chọn được Bộ GD&ĐT khẳng định do các tác giả người Việt Nam biên soạn. Tuy nhiên, trong thuyết minh cơ cấu giá kê khai, NXB ĐH Sư phạm TPHCM nói rằng, SGK tiếng Anh 1 Explore Our World chỉ “được hiệu chỉnh” từ sách nước ngoài, có giá bán 89.000 đồng/cuốn. Như vậy, có thật các tác giả người Việt Nam biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1 hay chỉ là các NXB nhập sách nước ngoài rồi bán lấy lãi khiến cho học sinh phải “cõng” thêm gánh nặng chi phí không đáng có?.

Hiện nay, có 7 NXB được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản SGK. Đó là  NXB Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia TPHCM, NXB ĐH  Vinh và NXB ĐH Huế  và NXB GDVN.

MỚI - NÓNG