Thị trường chứng khoán: Lại đổ tiền theo phong trào?

TP - Bất chấp sự ảm đạm của nền kinh tế, doanh nghiệp ì ạch phục hồi, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những phiên tăng điểm liên tiếp, trở về mốc 900 điểm - bằng thời điểm tháng 1/2020, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, niềm vui ngắn, vừa lập lại đỉnh cao, thị trường bất ngờ lao dốc. Vì sao thị trường xảy ra sự trồi sụt này? 

Hồi phục, thêm nhà đầu tư mới toe

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chứng khoán rơi về vùng giá hấp dẫn nhất trong 10 năm trở lại đây. Chính điều này đã “kích hoạt” dòng tiền của nhà đầu tư muốn tham gia “bắt đáy”. Ngay ở những phiên đầu tháng 6/2020, mặc cho những khuyến nghị thận trọng của nhiều công ty chứng khoán, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng.

Thị trường chứng khoán: Lại đổ tiền theo phong trào? ảnh 1 Dòng tiền từ nhà đầu tư F0 đã giúp thị trường hồi phục. Ảnh minh hoạ

Chị Mai Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một nhà đầu tư F0 chia sẻ, trước khi đại dịch xảy ra, nguồn tiền nhàn rỗi chủ yếu đầu tư bất động sản, lướt sóng một số dự án. Dịch Covid -19 bùng phát, bất động sản ảm đạm, nghe theo trào lưu của bạn bè, chị Mai Ngọc mở tài khoản đầu tư chứng khoán.

“Lần đầu tiên đầu tư, do chưa biết thông tin thị trường nên số vốn đầu tư của tôi cũng ít. Tôi chỉ mong mỗi tháng kiếm tiền lời đủ mua cái váy”, chị Mai Ngọc nửa đùa nửa thật chia sẻ về lí do đầu tư chứng khoán.

Theo chị Mai Ngọc, do chưa có kinh nghiệm nên thấy thị trường tăng mạnh, chị tiếp tục đầu tư vì cảm thấy an toàn. Hơn 100.000 nhà đầu tư F0 như chị Ngọc đổ tiền đã giúp TTCK Việt Nam tăng ngoạn mục. Phiên giao dịch ngày 10/6, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm và hướng về mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Hầu hết các cổ phiếu đều hồi phục mạnh kể từ mức đáy, chuyển động của nhiều nhóm cổ phiếu thậm chí đang tiến xa hơn so với hiệu quả thực tế của các doanh nghiệp. Đây là tuần thứ 10 liên tiếp, TTCK hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh tạm thời được khống chế.

Tuy nhiên, con số thống kê quý 1/2020 về tình hình vĩ mô lẫn hoạt động của doanh nghiệp đều khá ảm đạm khi GDP chỉ tăng trưởng 3,82%. Nhiều ngành kinh tế vẫn ngưng trệ như du lịch, hàng không, giải trí. Sau khi thị trường chạm ngưỡng 800 điểm, động thái chốt lời của nhà đầu tư xuất hiện, khiến thị trường điều chỉnh về 750 điểm. Ở thời điểm này, lượng tiền lớn từ nhà đầu tư F0 đã kéo VN-Index tăng thẳng đứng lên mốc 900 điểm. Với đặc thù mới tham gia thị trường nên nhà đầu tư F0 chưa bị tổn thương trong nhịp thị trường rơi. Vì vậy, khi thị trường tăng tiếp, họ cũng không chốt lời quyết liệt, mà thậm chí còn có khuynh hướng mua thêm.

Lao dốc

Nhiều nhà đầu tư lâu năm trên thị trường đã trải qua nhiều đợt sóng lớn đều nhận thấy thời gian qua thị trường đã “hưng phấn” quá đà. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới tham gia hoặc chưa có kinh nghiệm đã phớt lờ các tín hiệu cảnh báo của thị trường và chỉ khi hiện tượng bán tháo ngày 11/6/2020 thì mới bắt đầu nhìn thấy rủi ro. Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến thị trường “lao dốc không phanh”.

Cùng với đó, áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến các chỉ số đều mất điểm. Sàn HOSE 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chỉ số VN-Index giảm 22,7 điểm, tương đương giảm 2,5% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần ở mức 863,52 điểm.

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 11/6, thị trường chứng kiến lệnh bán tháo mạnh, đẩy 312 mã trên sàn HOSE giảm giá.  Trong đó có tới  64 mã sàn, chỉ có 82 mã giữ được đà tăng. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 3,63%, xuống 867,37 điểm, chỉ số VN30 giảm 3,84% xuống 806,87 điểm. Trong đó phải kể tới hàng loạt mã cổ phiếu cơ bản giảm sàn như BID, CTG, HDG, LDG, HCM, GAS, PVD… Tương tự, HNX-Index cũng có phiên lao dốc mạnh khi mất 3,83% xuống 116,06 điểm với 104 mã giảm, trong khi chỉ có 60 mã tăng.

Thanh khoản trên thị trường tiếp tục cao hơn mức trung bình 10 tuần với khoảng hơn 8.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Hiện, trước những biến động khó lường trên, các chuyên gia đều nhận định: khó dự báo đà tăng giảm của thị trường trong bối cảnh hiện nay. Tốt nhất nhà đầu tư mới nên thận trọng hơn trong đầu tư sau “bài học” đầu tiên về sự biến động thị trường.

MỚI - NÓNG