Thị trường chung cư chịu áp lực bán tháo
Dự án Hoàng Anh River View hạ giá 30%, căn hộ Carina giảm 20%, Sacomreal tung cả 10 dự án với chiết khấu 4-20%... cho thấy xu hướng bán cắt lỗ đang tăng nhiệt tại TP HCM.
Dự án căn hộ Hoàng Anh River View bị nhà đầu tư thứ cấp bán tháo sau đợt giảm giá 40% của chủ đầu tư cách đây 3 năm. Ảnh: Vũ Lê. |
Khảo sát của PV, hầu hết những đợt giảm giá đều do nhà đầu tư thứ cấp xả hàng thu hồi vốn hoặc chủ đầu tư vét hàng đợt cuối với chiết khấu cao cho những trường hợp xuống tiền trọn gói.
Hôm 27-8, Công ty Đại Tín Á Châu và An Bình Land hạ giá 120 căn hộ Hoàng Anh River View (phường Thảo Điền, quận 2) từ 1.350 USD (28 triệu đồng) xuống còn 18,1 triệu đồng mỗi m2. Với mức mới này căn hộ đã hoàn thiện sụt giá 30% so với năm 2009.
Đây là lần giảm giá thứ hai của dự án này do hai nhà đầu tư thứ cấp bán tháo căn hộ để cắt lỗ. Lần đầu tiên chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh giảm giá 40% dưới hình thức bán sỉ và lẻ vào năm 2009.
Cùng thời điểm này, hơn 150 căn hộ Carina Plaza (Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8) được Công ty cổ phần dịch vụ Nhịp Cầu Địa Ốc giảm từ 15,5 triệu đồng xuống còn 13,2 triệu đồng mỗi m2. Mức giá giảm 20% so với giá gốc của chủ đầu tư bán hồi đầu năm áp dụng cho khách hàng xuống tiền 95% giá trị căn hộ. Nếu đóng 50% hợp đồng vào ở ngay, khách hàng được giảm giá 10%. Đây cũng là đợt bán vét hàng giai đoạn cuối của nhà đầu tư thứ cấp.
Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 8, Sacomreal bán giảm giá 4-20% các dự án: HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon. Sàn này còn kèm theo nhiều gói khuyến mãi nội thất, rút thăm trúng thưởng.
Hơn 150 căn hộ Carina Plaza giảm từ 15,5 triệu đồng xuống còn 13,2 triệu đồng mỗi m2. Ảnh: Hà Thanh. |
Trước đó, đầu tháng 8 sàn Hoàng Anh Sài Gòn bán vét giai đoạn cuối dự án Hoàng Kim Thế Gia (The Golden Dynasty) với mức giảm 10%. Người mua nhà đóng 50% giá trị hợp đồng được nhận căn hộ, 50% còn lại trả góp lãi suất 0%. Chủ đầu tư dự án này tiết lộ, vì muốn thu hồi vốn nhanh nên doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giá hàng tồn từ 19-21 triệu đồng xuống còn 17 triệu đồng mỗi m2.
Giám đốc sàn Nhịp Cầu Địa Ốc, Thân Trọng Đức Phong cho biết vài tháng trước đã đàm phán với chủ đầu tư mua sỉ 150 căn còn lại của dự án với giá mềm. Nhờ đó sàn có điều kiện nâng chiết khấu lên 20%.
Theo ông Phong, cách điều chỉnh giá này được lợi cả ba bên. Chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh cho đợt hàng cuối, sàn địa ốc có hàng để bán với giá "mềm" còn người mua nhà dễ tiếp cận mua căn hộ, lại được lựa chọn nhiều phương thức thanh toán.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển địa ốc Việt Đô, Mai Đức Hùng cho biết: "Thị trường căn hộ hiện không có nhà đầu tư và người mua vẫn đang chờ đợi. Vì vậy, nếu căn hộ được điều chỉnh giá mềm hơn, ít nhiều sẽ tác động đến quyết định của khách hàng".
Theo ông Hùng, tại khu Nam TP HCM, nhiều trường hợp nhà đầu tư thứ cấp cần tiền, chịu thương lượng hạ 10-15% giá trị căn hộ đã giúp các giao dịch dễ dàng hơn. Vì vậy, ông Hùng tin rằng, giảm giá có thể là giải pháp kích thích tăng thanh khoản cho thị trường trong một số phân khúc có nhu cầu an cư. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay kông phải nhà đầu tư hoặc chủ đầu tư nào cũng có thể giảm giá thêm.
Trao đổi với PV, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Giảm giá căn hộ là xu thế tất yếu. Đây không phải là tín hiệu xấu mà là cơ hội cho nhiều bên giải được bài toán khó. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi".
Theo ông Nghĩa, sẽ không quá lo lắng nếu động thái hạ giá xuất phát từ chủ đầu tư, khó kiểm soát nhất là nhà đầu tư thứ cấp bán tháo tràn lan.
Ông phân tích, khi có nhiều hàng đại hạ giá trên thị trường cùng một thời điểm, phản ứng của người tiêu dùng có thể chia làm ba nhóm. Nhóm một quyết định mua khi giá vừa túi tiền. Nhóm hai hoài nghi không mua, tiếp tục chờ đợi. Nhóm ba là những người đang ôm bất động sản, nếu thị trường giảm quá ngưỡng chịu đựng họ sẽ bán tháo theo tâm lý đám đông vì mất niềm tin.
Chuyên gia này cho rằng một mặt để thị trường tự điều tiết giá cả, mặt khác cần có thêm giải pháp hỗ trợ lâu dài. Chẳng hạn như Chính phủ điều chỉnh luật thoáng hơn, cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản. Nhà nước cũng có thể đưa ra phương án mua nợ bằng cách định giá lại giá trị địa ốc một cách khoa học. "Giảm giá nhưng không gây rối loạn sẽ giúp thị trường phát triển ổn định hơn", ông nói
Theo Vũ Lê
VnExpress