Thị trường bất động sản lung lay, nguy cơ bong bóng

TPO - Đó là nhận định của ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Bất động sản 2018 diễn ra chiều 17/5.
8 trong 10 dấu hiệu của bong bóng BĐS
Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nếu nhìn 10 dấu hiệu để thị trường bất động sản (BĐS) lung nay, bong bóng thì bây giờ có đến 8 dấu hiệu rồi.
Cụ thể, ông Chung chỉ rõ 8 dấu hiệu đó là giao dịch tăng, giá tăng, các công trình khởi công tăng; địa bàn triển khai tăng; chủ thể tăng; quy mô dự án tăng; giá trị một dự án tăng; nguồn tiền vào các dự án bất động sản tăng...
Thị trường bất động sản lung lay, nguy cơ bong bóng ảnh 1 Ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cảnh báo về nguy cơ bong bóng BĐS. Ảnh BTC

Cũng theo ông Chung, hiện truyền thông quan tâm nhiều hơn đến BĐS. “Bây giờ mở mạng ra thì 1/3 thông tin về BĐS, chỉ còn 2 nguồn nữa là chúng ta chạm ảnh hưởng vào khủng khoảng 2000-2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. 2 nguồn này đang kéo ngược thị trường BĐS. Cho nên chừng nào quý vị nghe thấy 2 nguồn đó tăng thì quý vị rút 2 nguồn đó ra là vừa, còn chừng nào chưa nghe thấy thì chúng ta vẫn yên tâm”, ông Chung nói.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, thị trường BĐS có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng lại một vòng: Phục hồi-tăng trưởng-suy thoái-khủng khoảng.

"Trên thực tế từ năm 2011 đến 2013 chúng ta nằm ở đáy khủng khoảng, 2014 phục hồi, năm 2015-2016-2017 đạt mức bắt đầu tăng, với năm 2018 thì truyền thống là không làm gì cũng tăng nhưng 2019 thì làm gì cũng khủng khoảng, đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, ông Chung cảnh báo.

Thị trường bất động sản lung lay, nguy cơ bong bóng ảnh 2 Ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh BTC

Đầu cơ tung tin đồn, giá đất tăng vụt sau vài tháng

Ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân khiến giá đất tăng đột biến ở nhiều khu vực thời gian qua chủ yếu vẫn là do tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá.

Theo ông Phấn, thời gian qua tại một số địa phương chuẩn bị thành lập các đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã có hiện tượng giá đất nền tăng chóng mặt trong thời gian ngắn.

“Hiện tượng giá đất tăng đột biến khiến người dân có đất tại khu vực chuyển đổi, tách thửa để bán tăng cao. Cùng với đó hiện tượng đầu cơ, giao dịch, tách thửa phân lô mua bán đất rừng, đất nông nghiệp tăng mạnh”, ông Phấn nhấn mạnh.

Theo ông Phấn tại Vân Phong (Khánh Hòa), sau khi có thông tin thành lập đặc khu kinh tế việc mua bán, sang nhượng đất đai diễn ra rầm rộ khiến giá đất tăng chóng mặt. Thậm chí, tại một số khu vực xuất hiện tình trạng tách thửa để nhận tái định cư khi quy hoạch đặc khu, phá rừng chiếm đất trên đảo trái quy định pháp luật và mua bán đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Không chỉ giá đất tăng chóng mặt, tại Phú Quốc (Kiên Giang), ông Phấn cho hay, đã xuất hiện tình trạng xây nhà không phép diễn ra phổ biến, cùng với đó tình trạng san lấp, phân lô bán nền diễn ra trên diện rộng.

“Giới đầu cơ ngang nhiên hoạt động phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát, dựng biển quảng cáo dự án thông tin không đúng sự thật để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch bị phá vỡ”, ông Phấn cho biết.

Theo ông Phấn, nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất tăng đột biến ở các khu vực trên chủ yếu vẫn là do tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao của một số nhà đầu tư cá nhân lợi dụng thông tin chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ phía chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý về giao dịch và sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng không đúng quy định pháp luật.

“Việc để xảy ra tình trạng sốt đất ảo, mua bán kinh doanh đất hỗn loạn không kiểm soát được sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch của khu vực, môi trường đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng”, ông Phấn cảnh báo.

MỚI - NÓNG