Học bạ rất đẹp, nhưng điểm thi rất thấp
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 quay trở lại và có phần nghiêm trọng hơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt. Quan điểm của ông ra sao về việc này?
Vấn đề học hành, thi cử không phải bây giờ mới bàn đến trong bối cảnh diễn ra đại dịch. Sau 3 tháng bình yên, COVID-19 quay trở lại, và dư luận một lần nữa quan tâm, đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh kỳ thi sắp tới. Thi hay không thi, tổ chức thi như thế nào…cũng nhận được những ý kiến nhiều chiều. Theo tôi, đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa qua cũng khá phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Còn phương án lùi thi, hay bỏ kỳ thi thì sao, thưa ông?
Nếu lùi thi rất trở ngại, vì dịch bệnh hiện cũng chỉ diễn ra tại một số địa phương. Còn nhiều tỉnh, thành phố khác mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, nếu dừng thi cũng không hợp lý. Riêng với Quảng Nam, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành vừa phát hiện người nhiễm COVID-19 thì cần phải thận trọng.
Còn bỏ thi càng không được, vì kỳ thi này thực hiện ba chức năng: xét tốt nghiệp, đánh giá việc giảng dạy để đổi mới và điều quan trọng nhất là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển đầu vào. Nếu xét qua học bạ cũng khó lựa chọn được nguồn lực chất lượng cao. Lâu nay nhờ thi mà chúng ta lựa chọn được những thí sinh rất xuất sắc vào một số ngành nghề quan trọng, hay những trường có yêu cầu đầu vào cao.
Cái khó ở chỗ, hiện nay các trường không thể tự tổ chức tuyển sinh được, chủ yếu dựa vào học bạ và thi tốt nghiệp. Nếu chỉ dựa vào học bạ thì khó mà tin tưởng được. Bởi điểm học bạ so với điểm thi hầu như đều có khoảng cách nhất định. Có những trường hợp học bạ rất đẹp, điểm rất cao nhưng khi thi điểm lại rất thấp. Ví dụ trong đợt thi tuyển sinh vào lớp 6 vừa qua, có trường hợp học bạ toàn điểm 10, nhưng kết quả thi có em chỉ được 1 – 2 điểm. Như vậy không thể tin tưởng hoàn toàn vào học bạ mà phải thi tốt nghiệp.
Vậy khoảng cách giữa hai đợt thi nên thực hiện ra sao và phải làm thế nào để đảm bảo công bằng nhất cho các thí sinh?
Đợt thi đầu tiên, trước mắt nên theo kế hoạch ban đầu. Còn với đợt hai cần cẩn trọng hơn một chút. Chậm thì cũng đã chậm rồi, nên phải chờ diễn biến dịch bệnh xem tình hình cụ thể ra sao. Đợt hai không nên vội quyết định, mà phải tùy tình hình cụ thể để lựa chọn thời điểm thi thích hợp.
Điều quan trọng là việc tổ chức hai kỳ thi đợt 1 và đợt 2 phải đảm bảo chất lượng và chặt chẽ như nhau. Từ đề thi đến coi thi, chấm thi phải như nhau để đảm bảo sự công bằng trong hai đợt thi. Vì đây không chỉ là đánh giá thi tốt nghiệp mà còn là cơ sở để tuyển sinh đầu vào đại học, cao đẳng. Điều này rất quan trọng, cần chú ý để đảm bảo chất lượng và công bằng cho học sinh.
ĐBQH Phan Viết Lượng. Ảnh Như Ý
“Thanh tra kép”
Không chỉ đảm bảo công bằng và chất lượng, mà mục đích, yêu cầu đặt ra trong kỳ thi này là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, phụ huynh trong bối cảnh đại dịch, thưa ông?
Cuộc thi này phải đạt được “mục tiêu kép”: Đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan, công bằng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trước nay chúng ta hay bàn đến vấn đề an ninh trật tư, còn bây giờ phải đề cập đến an toàn tính mạng cho những đối tượng tham gia thi. Việc này cần sự vào cuộc của các bộ ngành, trong đó Bộ Y tế làm chủ công với các kịch bản cho cả những đối tượng F1, F2. Điều này rất phù hợp, cần thiết, nhưng phải hết sức chú ý trong việc giao tiếp công cộng.
Nhiều khi tại phòng thi quản lý dễ hơn, nhưng ở ngoài phòng thi, trong xã hội thì những người cùng tham gia vào cuộc thi này rất lớn và rất khó kiểm soát. Nhiều khi cứ lo tập trung vào thi mà không lo đến việc an toàn trong phòng chống dịch, trong khi chỉ cần một chút lơ là cũng có thể xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Chính vì vậy cần phải có kế hoạch cũng như công tác tuyên truyền thật tốt, đồng thời rà soát, phân được từng vùng để có giải pháp hiệu quả. Không vì cứ tập trung vào kỳ thi mà lơ là trong phòng dịch. Do vậy, ngoài thanh tra thực hiện quy chế thi, lần này còn phải thanh tra cả việc thực hiện quy chế phòng dịch. Hai nhiệm vụ này phải đặt ngang hàng với nhau. Muốn đạt “mục tiêu kép” thì phải tiến hành “thanh tra kép” trong kỳ thi này.
Nhiều chuyên gia đề xuất xét tốt nghiêp và xét tuyển đại học cho những thí sinh trong vùng dịch. Quan điểm của ông về việc này ra sao?
Hiện có khoảng 200 nghìn thí sinh tham gia thi chỉ để lấy chứng chỉ, không phục vụ cho xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo tôi, những trường hợp đó có thể xét tốt nghiệp, không cần phải thi. Như vậy vừa giảm bớt áp lực, giảm nguy cơ lây nhiễm và không ảnh hưởng đến “mục tiêu kép” chúng ta đề ra. Đây cũng là hướng mà chúng ta vẫn bàn lâu nay, liệu có cần thi nữa hay không khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao như vậy.
Còn với các trường đại học, hiện đã được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh, nên phải phát huy vai trò, trách nhiệm, đặc biệt trong điều kiện này càng phải tự chủ hơn. Các trường phải hết sức thận trọng trong việc xét tuyển căn cứ vào học bạ. Nếu không có giải pháp thẩm định, đánh giá học bạ thì rất dễ tuyển đầu vào chất lượng thấp.
Thực tế vừa qua, dù chưa thi THPT, nhưng nhiều trường đã có dự kiến tiếp nhận thí sinh theo học bạ rồi. Điều này chưa tạo được niềm tin vững chắc, chưa thực sự yên tâm. Tuyển sinh dựa vào học bạ, thi tốt nghiệp như vậy thì chưa đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu tự chủ.
Qua đợt dịch bệnh này các trường cần rút kinh nghiệm, có chủ động, tự chủ mạnh mẽ hơn trong những năm học tới. Qua đó, các trường phải có đề án tuyển sinh, có đánh giá riêng theo tiêu chí riêng của mình để lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất.
Cảm ơn ông.