Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học đóng vai trò quan trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân công cử người cùng Sở GD&ĐTT các địa phương làm nhiệm vụ coi thi, giám sát, thanh tra.
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (ảnh: Nguyễn Dũng) |
ThS. Trần Quốc Qui – Quyền Trưởng phòng Thanh tra Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, Trường được Bộ GD&ĐT phân công làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi tại Đồng Tháp với số lượng dự kiến là 55 người. “Để chọn được 55 cán bộ làm nhiệm vụ quan trọng này, Trường đã tổ chức tập huấn về quy chế của kỳ thi cho 66 cán bộ, giảng viên. Kết thúc tập huấn, cán bộ, giảng viên tham gia thực hiện bài kiểm tra về nghiệp vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ đó chọn lựa danh sách 54 người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy định”, ông Qui cho hay.
Năm nay, Trường ĐH Công Thương TPHCM phối kết hợp cùng ĐH Giao thông Vận tải TPHCM. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM cho biết, Trường dự kiến điều động 46 cán bộ phục vụ cho kỳ thi. “Nhân sự này là trưởng, phó trưởng các đơn vị; Trưởng, phó trưởng bộ môn; cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm về công tác này ít nhất từ 1 năm trở lên từng tham gia công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Sơn nói và cho hay, dù có kinh nghiệm nhưng các cán bộ trên vẫn phải trải qua buổi tập huấn và thực hiện bài kiểm tra với mức đánh giá viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM phối hợp cùng Học viện Hàng không Việt Nam thực hiện thanh tra coi thi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thạc sĩ Ngô Thị Xuân – Phó trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, mới đây, lãnh đạo hai đơn vị đã họp bàn để thống nhất bố trí điểm thi. Sau đó, các đơn vị sẽ tổ chức tập huấn để chọn lựa cán bộ nắm vững kiến thức. Dự kiến, trường sẽ có 2 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi ở huyện Côn Đảo.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng mới đây cũng tổ chức tuyển chọn cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi tại tỉnh Bình Định. Tại cuộc tuyển chọn, TS. Đồng Sĩ Thiên Châu, Phó Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng đã quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi, các quy định có liên quan về thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT cho 80 cán bộ, giảng viên.
“Tập dượt” cho trận đánh lớn
Riêng tại TPHCM, địa phương có số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đứng thứ 2 cả nước, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, để phục vụ kỳ thi, TPHCM tổ chức 162 điểm thi với hơn 90.000 thí sinh tham gia kỳ thi. Trước đó, TPHCM đã có sự "tập dượt" công tác tổ chức qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập.
TPHCM vừa trải qua cuộc "tập dượt" lớn là kỳ thi tuyển sinh 10 trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 |
Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, trước khi diễn ra kỳ thi 1 tuần, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ có các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu tổ chức kỳ thi, đảm bảo công tác phối hợp an toàn, thông suốt. “Công tác nhân sự coi thi đặc biệt quan trọng, ngoài làm nhiệm vụ còn phải liên tục nhắc nhở các thí sinh không mang điện thoại, thiết bị điện tử, thiết bị truyền tin vào phòng thi để tránh những trường hợp đáng tiếc như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới đây, TPHCM có hai em bị đình chỉ thi vì lỗi trên”, ông Hiếu nói.
Một trong những trường được Bộ GD&ĐT phân công làm nhiệm vụ thi tại TPHCM, đại diện Phòng Thanh tra pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) cho biết, năm 2024, UEL điều động 64 nhân sự tham gia công tác kiểm tra thi THPT tại 19 điểm thi trải dài 23 quận huyện và TP Thủ Đức. Nhà trường tổ chức lựa chọn nhân sự theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên lựa chọn những thầy, cô đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia. Đồng thời, tổ chức tập huấn và làm bài kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng đối với những nhân sự thực hiện công tác quan trọng này.
Trước đó, tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra tại TPHCM mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt lưu ý đối tượng được thanh tra, kiểm tra là hội đồng thi, các thầy cô, đồng nghiệp và cả học sinh. Nếu phương pháp làm việc không khéo léo có thể gây xung đột nhỏ, căng thẳng, khó chịu. Ngoài nghiệp vụ, công tác này cần lưu ý đến phương pháp thực hiện. Trên tinh thần nghiêm túc, đúng quy trình quy chế nhưng thân thiện, không tạo sự căng thẳng cho đồng nghiệp và thí sinh; tạo không khí một trường thi vừa nghiêm minh vừa thân thiện, không thêm áp lực quá tải nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra.
"Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải được thanh kiểm tra, không chồng chéo nhưng không để khâu nào có lỗ hổng. Chỉ sơ suất nhỏ nhưng hệ lụy để lại rất lớn. Có thể chỉ một phòng thi một địa điểm thi nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi trong cả nước. Do đó, vai trò của thầy cô trong đoàn thanh - kiểm tra của các cơ sở giáo dục ĐH, sở GD&ĐT hết sức quan trọng. Lực lượng này sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024", ông Thưởng nhấn mạnh.
Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/6. Thí sinh thi 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn) và 1 bài thi tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.