Thi lại Ngữ văn lớp 10 ở Quảng Bình: TS Hoàng Ngọc Vinh nói gì?

Hơn 6400 học sinh toàn tỉnh Quảng Bình phải làm lại bài thi môn Ngữ Văn ngày 5/6
Hơn 6400 học sinh toàn tỉnh Quảng Bình phải làm lại bài thi môn Ngữ Văn ngày 5/6
TPO - TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc cho tất cả thí sinh làm lại là công bằng. Phụ huynh nên ủng hộ cách xử lý của sở vị sự cố không mong muốn này.

Như đã thông tin năm học 2019 - 2020, tỉnh Quảng Bình có hơn 6.400 thí sinh dự thi vào lớp 10. Trong ngày 3/6, mới ngày đầu thi đã xảy ra các sự cố hi hữu gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, sau khi kết thúc buổi thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều người cho rằng về việc đề thi này gần như giống với đề ngữ văn kết thúc học kỳ 2 năm học 2018 - 2019 của Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới diễn ra cách đây chưa lâu.

Cũng trong ngày 3/6, tại điểm thi Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (TP Đồng Hới) diễn ra môn thi ngữ văn, với thời gian 120 phút. Tại một phòng thi,, khi các thí sinh làm bài đến khoảng chừng phút 70, thì 2 giám thị coi thi bất ngờ phát hiện mình ký nhầm vào ô "dành cho cán bộ chấm thi".

Để giải quyết sự cố hy hữu này, 2 giám thị đã yêu cầu 24 thí sinh của phòng thi làm lại bài trên tờ giấy thi mới. Do thời gian đã trôi qua khá nhiều, lại phải làm lại từ đầu nên nhiều sĩ tử đã òa khóc ngay tại phòng thi.

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã tổ chức một cuộc họp khẩn xin lỗi với tất cả phụ huynh và thí sinh thuộc phòng thi số 25. Đồng thời đình chỉ công tác đối với 2 giám thị tắc trách dẫn đến sự cố này.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình đích thân đã gửi lời xin lỗi đến toàn thể học sinh và phụ huynh vì để xảy ra 2 sự cố trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.

Chiều 5/6, tỉnh Quảng Bình quyết định tổ chức thi lại môn Ngữ văn vào lớp 10 để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh toàn tỉnh sau các sự cố này.

Tất cả cùng thi lại là công bằng

Về vụ việc này, một cán bộ Bộ GD&ĐT cho hay, sự cố trên "không phải lộ đề", nhưng khi đã có một bộ phận học sinh được biết trước nội dung đề thi thì sẽ không công bằng với phần lớn học sinh khác.

“Về nguyên tắc, sau khi xác định đúng là có việc trùng lặp với tỉ lệ lớn hoặc giống y hệt giữa hai đề thi thì phải thi lại" – đại diện Bộ GD&ĐT chia sẻ.

 TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc thi lại là cần phải làm vì lợi ích chính đáng của học sinh thì làm. Miễn sao đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh sau kỳ thi lại này.

“Nói chung đây cũng là một trong hình thúc lộ đề. Vì vậy, tất cả cùng thi lại là công bằng”- TS Vinh nói.

"Làm sao khoanh vùng thí sinh đã làm bài thi ở trường trước đây vì những thí sinh trường khác cũng có thể biết đề thi này và làm rồi thì sao? Phụ huynh nên ủng hộ cách xử lý của sở vị sự cố không mong muốn này”- TS Vinh nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trưởng đại diện Công ty Luật SB Law tại TP. HCM cho rằng, có mấy nội dung cần làm rõ trong vụ việc này.

Thứ nhất, việc tổ chức thi lại được dựa trên cơ sở nào. Lỗi ký nhầm có phải là căn cứ để phải tiến hành lại một cuộc thi như vậy không?

Thứ 2, nếu có căn cứ phải tổ chức lại do đề thi trùng lặp đến 90% thì quy định ở đâu. Liệu có hay không sai phạm khi ra đề thi?

Cuối cùng, theo Luật sư Hòa, cha mẹ phụ huynh doạ kiện chưa có cơ sở để khởi kiện căn cứ theo luật. Cha mẹ chỉ được quyền khiếu nại nếu cho rằng việc tổ chức lại kỳ thi ảnh hưởng đến kết quả, tâm lý, thiệt hại về vật chất, tinh thần của gia đình và con em họ.

“Khởi kiện thì tôi chưa thấy có căn cứ kiện trong trường hợp này”- Luật sư Hòa nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG