Thí điểm xử phạt 'nguội' người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015. Ảnh minh hoạ
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015. Ảnh minh hoạ
TPO - Bộ Y tế xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về việc thực thi môi trường không khói thuốc. Cuối năm 2021, phần mềm thực hiện xử phạt “nguội” về vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng sẽ được thí điểm tại 2 quận của thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo Quốc hội kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2019 – 2020. Theo Bộ Y tế, năm 2015, ước tính số nam giới trưởng thành hiện đang hút thuốc lá khoảng 15,2 triệu người, đến năm 2020, ước tính khoảng 14,8 triệu người.

Như vậy, có 600 nghìn nam giới đã bỏ thuốc lá, tuy nhiên, số nữ giới hút thuốc mới ước tính 200 người trong năm 2020. Đáng lưu ý, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 so với năm 2015 thì nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần.

Về tình hình thu Quỹ, theo Bộ Y tế, giai đoạn 2019 - 2020, số thu hơn 795 tỷ đồng. Hiện số dư nguồn của Quỹ đến ngày 31/12/2020 hơn 1.120 tỷ đồng, được gửi tại ngân hàng, lãi tự động phát sinh 0,5%/năm, kể từ ngày 13/5/2020 mức lãi suất là 0,2%/năm.

Đáng lưu ý, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ đang hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về việc thực thi môi trường không khói thuốc.

Cuối năm 2021, phần mềm dự kiến sẽ được thực hiện thí điểm tại 2 quận của thành phố Hà Nội, và phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Bộ Y tế để xử phạt “nguội” về vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định tăng mức thuế này đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe, trong đó có thuốc lá.

“Tăng thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá. Theo các bằng chứng tổng hợp của WHO thì tăng thuế để giá bán thuốc lá tăng 10%, sẽ làm giảm tiêu thụ khoảng 4 - 5%”, Bộ Y tế cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị xây dựng quy định nhằm quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện, như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác xuất hiện trên thị trường.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm 15 – 24 tuổi.

Hiện số dư nguồn của Quỹ đến ngày 31/12/2020 hơn 1.120 tỷ đồng, được gửi tại ngân hàng, lãi tự động phát sinh 0,5%/năm, kể từ ngày 13/5/2020 mức lãi suất là 0,2%/năm.

Thực tế cho thấy hiện nay mặc dù chưa được phép nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đã gia tăng. Khi cho phép kinh doanh hợp pháp thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng mạnh do dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng sẽ tăng nhanh, do đây là sản phẩm hướng nhiều đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi và là sản phẩm gây nghiện.

“Chính sách sản xuất, kinh doanh đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và một số sản phẩm thuốc lá mới sẽ có nhiều tác động đối với xã hội, môi trường, đặc biệt là tác động lớn đối với sức khỏe người dân nên càng phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đầy đủ, thận trọng trước khi đề xuất các chính sách quản lý cụ thể và trong quá trình xây dựng các chính sách này cần đặt vấn đề sức khỏe người dân là vấn đề ưu tiên hàng đầu”, Bộ Y tế cho hay.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong giai đoạn 2021 - 2022, Quỹ tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố để thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tập trung vào 9 nhiệm vụ mà Luật giao, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

MỚI - NÓNG