Thí điểm điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
Hồi sức cấp cứu những ca bệnh nặng Ảnh: Long Phạm
Hồi sức cấp cứu những ca bệnh nặng Ảnh: Long Phạm
TP - “Tới đây ngành Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà với TPHCM và một số tỉnh, thành khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19, ngày 13/8.

Bộ trưởng Y tế khẳng định, Bộ đã sửa đổi tất cả các phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn (tầng thứ 2 phải có ô xy, thuốc chống đông), đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc.

Tới đây ngành Y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác; sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus tốt nhất.

“Chúng tôi coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn, có thể áp dụng đại trà hoặc bệnh nhân nặng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ưu tiên giảm tỷ lệ tử vong

Nhấn mạnh điều trị, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những trọng tâm ưu tiên trong phòng chống dịch COVID-19 với tất cả tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, việc tổ chức hệ thống trong khám chữa bệnh hiện nay được thay đổi theo hướng đảm bảo tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, thuận lợi nhất, cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho bệnh nhân. Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng, các địa phương nên chia 3 tầng điều trị.

Tầng 1 là cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, kể cả ở cộng đồng và gia đình. Những nơi này triển khai quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng.

Tầng 2 triển khai ở tất cả cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên có giường bệnh, điều trị bệnh nhân mức độ trung bình. Tầng này rất quan trọng và phải tăng cường năng lực. Có 3 vấn đề Bộ Y tế yêu cầu tầng này phải đảm bảo, gồm: ô xy, thuốc kháng đông và kháng viêm theo phác đồ Bộ Y tế, phải sử dụng sớm cho bệnh nhân để giảm mức độ nặng.

Nếu làm tốt tầng 2 thì sẽ giúp ca nhiễm không tăng nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.

Tầng thứ 3 điều trị hồi sức tích cực (ICU) bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong bối cảnh dịch lan rộng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị trang thiết bị cho điều trị ICU, bắt buộc phải thực hiện được thở máy xâm nhập.

GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định, công tác điều trị luôn phải chuẩn bị ở mức cao hơn, và phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu hơn diễn ra trên địa bàn. Thực tế, khi dịch xảy ra, một số địa phương lúng túng do chuẩn bị không đầy đủ.

Ông yêu cầu, các địa phương phải rà soát lại tất cả các đầu mục cần chuẩn bị, trong đó có giường bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế hay ô xy.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.