Trao quyền điều chỉnh phí, lệ phí
Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 28, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này, các cấp chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được thiết kế theo hướng: Tổ chức chính quyền cấp thành phố là một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổ chức chính quyền cấp quận và cấp phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận và HĐND phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận; UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các quận, phường. Đối với huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND.
Như vậy, mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương nêu trên tương tự với quy định về thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Về cơ chế, chính sách để phát triển thành phố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ đề nghị quy định 4 chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định. Dự thảo Nghị quyết thì đề xuất phân quyền cho HĐND, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố như quy định tại dự thảo Nghị quyết.
Về quản lý tài chính - ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định về ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương: “Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.
Đồng thời để tạo chủ động, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và trao quyền cho HĐND thành phố điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các quy định này tương tự như cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Chờ tổng kết thí điểm ở Hà Nội mới áp dụng cho Đà Nẵng?
Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu lưu ý, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay thành phố Hà Nội đã được Quốc hội cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp ở các quận nội thành; một số thành phố trực thuộc trung ương cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Vì vậy, Chính phủ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và các thành phố trực thuộc trung ương nói riêng, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền và các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cơ bản tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng cũng như về phạm vi và thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình một cấp chính quyền ở thành phố và hai cấp hành chính ở 6 quận và 45 phường thuộc thành phố Đà Nẵng.