Thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tạm dừng vì phát hiện hàng loạt sai phạm

Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện nhiều sai phạm về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà.
Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện nhiều sai phạm về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà.
TP - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng vừa ký văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng, Ban quản lý đề án Ngoại ngữ 2020 và 10 đơn vị được giao tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ về việc xử lý sau thanh tra. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ.

Trong văn bản này, lý do được Bộ đưa ra là dựa vào kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT sau kết luận thanh tra về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ  (CĐCN) Bắc Hà. Trong kết luận này, Thanh tra Bộ cho biết từ ngày 13/4/2017 đến ngày 16/4/2017, Trường ĐH Vinh đã tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ năng lực tiếng Anh cho 827 người tại Trường CĐCN Bắc Hà.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ khẳng định Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Trường ĐH Vinh tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án NNQG 2020 giao. Bởi phần lớn thí sinh đều thuộc diện hợp đồng ngắn hạn trong các cơ quan, đơn vị và học viên sau đại học; nhiều phiếu đăng ký dự thi ghi ngày 4/4/2017, thiếu thông tin thí sinh.

Sai phạm nữa của trường CĐCN Bắc Hà, đó là thông báo, tuyển sinh trước khi ký Hợp đồng liên kết đào tạo với ĐH Vinh; chưa công khai thông tin về tuyển sinh, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên Website của Trường CĐCN Bắc Hà và Trường ĐH Vinh theo
quy định.

Việc thu lệ phí, trường CĐCN Bắc Hà giao cho 7 cán bộ tuyển sinh thu lệ phí. Hồ sơ lưu tại Trường CĐCN Bắc Hà có 33 Giấy nộp tiền mặt, mỗi giấy có 1 người đại diện nhóm học viên ký nộp tiền. Giấy nộp tiền mặt chỉ ghi tổng số tiền nộp, không ghi đầy đủ thông tin về người nộp tiền. Một số trường hợp thí sinh dự thi bậc A2 đã nộp số tiền là 3.400.000 đồng/người qua trung gian cao hơn số tiền đã ký xác nhận trong hồ sơ lưu của Trường CĐCN Bắc Hà và Hợp đồng giữa ĐH Vinh và trường CĐCN Bắc Hà. 

Một sai phạm nữa đó là thời gian tổ chức ôn tập ít hơn thời gian quy định. Sổ theo dõi giảng dạy có ghi nhận việc ôn tập của 11/12 lớp, thời gian dạy của 7/12 lớp mỗi ngày từ 6,5 giờ đến 7 giờ, không kể thời gian nghỉ giải lao (khoảng 8 đến 9 tiết), chưa đủ so với quy định; số học viên dự ôn tập trên lớp rất ít so với danh sách đăng ký.

Cán bộ in sao đề thi làm việc trong giờ hành chính, không cách ly; không thanh tra việc in sao đề thi; mỗi môn chỉ có 1 mã đề thi; số lượng đề thi trong ngân hàng đề thi ít (bậc năng lực nhiều nhất có 15 đề); phần thi Đọc - Hiểu của mỗi trình độ chỉ có 1 mã đề thi nên chưa đánh giá được khách quan về năng lực của thí sinh.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng khẳng định thiết bị phục vụ coi thi chưa đủ, còn có cán bộ coi thi chưa thực hiện đúng quy định về coi thi, bố trí mỗi cán bộ giám sát 1 tầng từ 5 đến 7 phòng thi không liền nhau chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn có tình trạng thí sinh trao đổi bài, chép bài của nhau. Có 6/18 cán bộ chấm thi kỹ năng Nói chưa đảm bảo theo yêu cầu. Thời gian hỏi thi dành cho mỗi thí sinh trung bình khoảng 4 phút là không đúng so với quy định về tổ chức chấm thi môn Nói của Bộ GD&ĐT; chưa trang bị đủ máy ghi âm cho các phòng thi môn Nói, không có phiếu chấm thi môn Nói. Làm phách 1 lần và không cách ly cán bộ làm phách trong suốt thời gian chấm thi chưa đúng hướng dẫn của Bộ về việc làm phách bài thi viết.

Tạm dừng thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ

Không chỉ liên kết với ĐH Vinh, trường CĐCN Bắc Hà còn liên kết với trường ĐH Sư phạm TPHCM để cấp chứng chỉ ngoại ngữ và cũng có những sai phạm tương tự.  Kết luận của thanh tra Bộ cho thấy, trong những sai phạm nêu trên đều có trách nhiệm của trường CĐCN Bắc Hà, trường ĐH Vinh và trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Trước đó, trong năm 2016, báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng liên kết tổ chức ôn tập, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu tại một số đơn vị. Trong đó, ĐH Thái Nguyên cũng đã phải yêu cầu trung tâm ngoại ngữ dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ để đánh giá kiểm tra lại toàn bộ các khâu tổ chức thi.

Trước kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT sau khi có kết luận thanh tra trường CĐCN Bắc Hà, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu đối với Cục Quản lý chất lượng, tham mưu hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam theo hướng quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn đối với đơn vị tổ chức thi, tránh độc quyền. Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cần ra soát tổng thể 10 đơn vị được Bộ giao tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường trong vòng 3 năm qua. Đồng thời, 10 đơn vị này Bộ cũng yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ cho đến khi Bộ có quy định cụ thể.

Bài thi đọc hiểu tìm thấy trong sách PET Reading (Book 6) trên mạng

Về đề thi, kết quả trưng cầu ý kiến chuyên môn cho thấy đề thi còn có một số sai sót về nội dung và hình thức như: Đề thi Đọc - hiểu - viết bậc 2 (A2): Số lượng từ trong văn bản chỉ bằng 1/2 so với số lượng từ được yêu cầu; một số câu hỏi ở độ khó bậc 1 đến bậc 2 mức trung bình, có ít lựa chọn gây nhiễu;  Đề thi Nói bậc 2 (A2) có 3/4 phần thi theo yêu cầu, thiếu phần tương tác xã hội, phần thảo luận;  Đề thi Đọc - hiểu - viết bậc 3 (B1) có Bài khóa dài 273 từ, dài hơn quy định (200-250 từ); Bài đọc hiểu có thể tìm thấy trong sách PET Reading (Book 6) trên mạng; Đề thi Nói bậc 3 (B1) có các câu hỏi ở phần 1 của 19 đề đều giống nhau; độ khó và cách ra câu hỏi chưa đồng đều;  Đề thi Đọc bậc 4 (B2) có văn bản đọc và câu hỏi giống đề thi có sẵn trên mạng; Đa số các từ vựng trong bài đọc đều ở mức độ bậc 1, 2, 3 rất ít ở mức độ 4.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.