Theo tiếng gọi của đá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những hòn đá thô sơ có hình thù kỳ lạ, vô ngôn nhưng lại có sức mê hoặc lòng người. Họ gọi những viên đá ấy là báu vật trời cho, có nhiều tiền chưa hẳn được sở hữu nếu thiếu chữ duyên.
Theo tiếng gọi của đá ảnh 1

Ông Hiền (trước) giới thiệu đá Suiseki

Quý vật tìm quý nhân

Đến khu trưng bày Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chúng tôi khá bất ngờ trước hàng trăm hòn đá có hình thù độc đáo được trưng bày trang trọng trên giá đỡ để sát tường. Anh Lưu Tấn Văn - Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk cho biết, đó là đá Suiseki - loại đá được tìm thấy ở tự nhiên, không qua bàn tay tác động của con người. Do đó, mỗi viên đá có hình thù, kích cỡ khác nhau. Nhiều người yêu thiên nhiên rất thích sưu tầm đá Suiseki bởi quan niệm tự nhiên là đẹp và vẻ đẹp ấy càng quý hiếm hơn khi nó là kết tinh của tạo hóa ngàn năm mới thành.

Theo anh Văn, người chơi đá cảnh ở Đắk Lắk không hiếm nhưng người chỉ sưu tầm thêm chứ không bán thì đếm trên đầu ngón tay. Chủ nhân của hàng trăm viên đá trên là một trong số đó - ông Lê Đình Hiền. Nhấm nháp ly cà phê hương vị đại ngàn, ông Hiền chia sẻ, sợ bán đi sẽ không tìm lại được. Mỗi viên đá Suiseki mang vẻ đẹp, ý nghĩa riêng, không viên nào giống viên nào.

Cơ duyên đưa ông Hiền đến thú chơi sinh vật cảnh nói chung và đá tự nhiên nói riêng xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và mê đắm vẻ đẹp tinh túy của tạo hóa. “Đá Suiseki muôn hình như cuộc sống muôn màu. Nhìn ở góc cạnh này, viên đá Suiseki có hình thù giống chú voi nhưng khi đổi hướng nhìn lại có hình thù khác. Đá Suiseki cũng giống như những hiện tượng, sự việc trong cuộc sống, tùy góc nhìn mỗi người mà có nhận định riêng”, ông Hiền lý giải việc không đặt tên từng viên đá Suiseki.

Ông Hiền cũng quan niệm rằng, mỗi món đồ vật đến với ông như một cái duyên, có tiền chưa chắc sở hữu được. Ông dẫn chứng bằng chính khối đá màu xanh nước biển có hình thù rất giống bàn chân. Khối đá này được ông sưu tầm trong một chuyến đi Phú Yên vào năm 2020. “Lúc ấy, tôi đến Phú Yên mua đá về trang trí cho ngôi trường thì người bán kể về viên đá hình bàn chân.Viên đá trên được người này tìm thấy trong chuyến đi “săn” đá ở sông Hinh. Rất nhiều nhà sưu tầm đá từ các tỉnh thành đến trả hàng trăm triệu đồng nhưng người này không bán. Khi gặp tôi, họ chỉ nói thấy có duyên nên gửi lại để giữ một tác phẩm đẹp cho đời. Sau khi nhượng lại khối đá trên cho tôi, vài tháng sau, người đó mất vì bệnh tật. Quả thật, nếu không đủ duyên, tôi không thể sở hữu được khối đá quý hiếm ấy”, ông Hiền nói về viên đá duy nhất được đặt trong kính, trưng bày ở nơi trang trọng của ngôi trường.

Ngoài khu trưng bày trên, ông Hiền còn dành hơn 2 héc-ta đất làm khu sinh thái có đủ bộ môn sinh vật cảnh như đá, hoa, cây cảnh. Đó là nơi ông tâm huyết, dành cho học sinh tham quan sau giờ học căng thẳng. Năm 2019, ông Hiền được nhận danh hiệu “Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu”.

Đá vô ngôn nhưng cuốn hút lạ thường

Theo tiếng gọi của đá ảnh 2

Ông Tiếng bên hoa đá Ưu đàm

Cũng đam mê đá cảnh từ thời thanh niên nhưng mãi đến khi về hưu, ông Lê Phúc Tiếng - nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới có nhiều thời gian theo đuổi thú chơi lắm công phu này. Hơn 20 năm ngang dọc Nam - Bắc, ông Tiếng sở hữu bộ sưu tập đá cảnh với hàng nghìn món đồ độc đáo. Mỗi viên đá được chủ nhân chăm chút, trưng bày ở nơi đẹp nhất của ngôi nhà.

Theo tiếng gọi của đá ảnh 3

Một hoa đá Ưu đàm tuyệt đẹp

Bước vào căn nhà của ông Tiếng, chúng tôi như lạc bước giữa thế giới của muôn loại đá cảnh gồm cả đá tự nhiên và đá nghệ thuật. Theo ông Tiếng, mỗi loại đá có vẻ đẹp riêng. Đá Suiseki được tạo thành do tác động của sóng gió, nắng mưa cả nghìn năm, thậm chí triệu năm nên mang nguyên dáng vẻ trời cho. Những ai tôn thờ cái đẹp tự nhiên thường chọn Suiseki; còn người thích sự hoàn mỹ lại bị quyến rũ bởi đá nghệ thuật đã được gia công để lột tả hết vẻ đẹp sâu ẩn bên trong viên đá.

Ông Tiếng bộc bạch, rất khó diễn tả đam mê đá cảnh bằng lời cũng như không thể chỉ rõ vẻ đẹp của từng hòn đá. Ông chỉ biết rằng, mỗi khi trong người ngột ngạt, ông lại ngắm nghía hòn đá thì mọi ưu tư đều tan biến. Mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, ông lại thấy hòn đá mang một vẻ đẹp khác. Hòn đá hấp dẫn ông từ những điều như thế. Đá tuy vô ngôn nhưng có sức ảnh hưởng hơn vạn lời nói. Việc cảm nhận cái đẹp hay ngộ ra chân lý sống phụ thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người. Ông Tiếng khuyên, khi thưởng lãm một tác phẩm đá nghệ thuật, người xem không nên nhìn một điểm mà nhìn tổng quan để cảm nhận.

Trong hành trình sưu tầm đá cảnh, ông Tiếng may mắn được sở hữu nhiều viên đá quý hiếm đến độ nở hoa. Giới chơi đá cảnh gọi đó là hoa đá Ưu đàm - một loại hoa nở từ trong khe đá tự nhiên rất hiếm gặp. Hoa đá Ưu đàm tên khoa học là Aragonit.Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các khe đá hình thành nên những tinh thể trắng muốt hoặc vàng canxit cực kỳ quý hiếm. Chúng được coi là những bông hoa đẹp nhất mà thiên nhiên hình thành nên được đặt tên là hoa đá Ưu đàm (loài hoa của trời, không có trên trần gian).

“Hoa đá Ưu đàm rất dễ rơi rụng nếu va chạm mạnh. Khi sưu tầm về, tôi cho ngay vào hộp thủy tinh hoặc đặt trên giá đỡ chắc chắn và trưng bày ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Hạnh phúc trong hơn 20 năm sưu tầm đá cảnh của tôi chính là được ngắm nhìn tuyệt tác tự nhiên của đất trời. Hoa đá Ưu đàm giúp tôi ngộ ra nhiều điều. Hoa đá như con người, trong hoàn cảnh nào cũng có thể vươn lên và môi trường càng khắc nghiệt con người càng mạnh mẽ hơn”, ông Tiếng nói và cho biết, hoa đá càng to, càng có độ trong cao thì càng quý hiếm, giá trị càng cao.Loài hoa này được săn lùng làm đá phong thủy để cầu may mắn, tài lộc.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên- Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk cho biết, phong trào chơi sinh vật cảnh nói chung và đá cảnh nói riêng đang phát triển mạnh tại địa phương. Bộ môn nghệ thuật nào cũng hướng người chơi tới Chân - Thiện - Mỹ. Với nghệ thuật đá cảnh, ngoài tiềm lực kinh tế, người chơi cần trang bị lượng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về đá để tránh mua phải đá cảnh giả. Ngoài ra, điều tiên quyết cần có của người chơi đá cảnh là sự đam mê cùng tâm hồn nhạy bén mới khám phá hết vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng khối đá tưởng chừng vô tri,vô giác, vô ngôn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.