Thêm nhiều “ông lớn” đầu tư vào ngành nông nghiệp

Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam của Masan- đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến nay được chứng nhận Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC trong lĩnh vực chế biến thịt tươi.
Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam của Masan- đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến nay được chứng nhận Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC trong lĩnh vực chế biến thịt tươi.
TPO - Năm 2019, có 17 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành đi vào hoạt động, nhiều chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã được hình thành, phát triển. Nhiều ”ông lớn” như Masan, Thaco... đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

Gần 12.600 DN nông nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 đã thành lập mới được 6 Liên hiệp HTX và 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX NN, 15.300 HTX nông nghiệp trên cả nước. 

Trong đó, có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018. Các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương. 

Đặc biệt, trong năm qua, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước thành lập mới trên 2.750 doanh nghiệp, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên gần 12.600 doanh nghiệp, tăng 36%.

Đáng lưu ý, nông lâm thủy sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

Cùng với hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu.

Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động. Tính từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Một trong những doanh nhân tạo “bom tấn” trong mua bán, sáp nhập thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, Masan đã tiên phong đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến thế giới, hoàn thiện chuỗi nông nghiệp khép kín 3F “từ trang trại đến bàn ăn” vào chuỗi giá trị tích hợp.

Theo ông Quang, việc sở hữu nhà máy chế biến thịt mát - thương hiệu MEATDeli- đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, Masan đã hiện thực hóa “giấc mơ thịt sạch”, phụng sự người tiêu dùng Việt Nam, mang lại cho họ quyền được ăn thịt ngon, đạt chuẩn quốc tế với giá hợp túi tiền.

Thêm nhiều “ông lớn” đầu tư vào ngành nông nghiệp ảnh 1 Tập đoàn Masan là một trong 5 tổ chức, cá nhân được nhân bằng khen của Thủ tướng do có đóng góp xuất sắc cho ngành nông nghiệp năm 2019.

Ngoài tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam- đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến nay được chứng nhận Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC trong lĩnh vực chế biến thịt tươi, Masan đang gấp rút xây dựng tổ hợp chế biến thứ 2 tại tỉnh Long An và dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 4 năm 2020.

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Quang, sau khi sáp nhập VinCommerce vào Tập đoàn, Masan đã tạo ra một nền tảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, dự kiến tới cuối năm 2019 là 2.888 siêu thị và cửa hàng Vinmart, Vinmart+, tại 58 tỉnh thành trên cả nước.

Hệ thống này sẽ phụng sự người tiêu dùng nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi, đa đạng hóa sản phẩm. Đồng thời, tạo sân chơi công bằng, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận người tiêu dùng, với điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về chất lượng hàng hóa.

Cùng đó, qua việc sáp nhập VinEco, Masan đã sở hữu thêm hệ thống 14 trang trại công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng bên cạnh hệ thống trang trại chăn nuôi heo của Masan.

Đây là bước đi chiến lược của Masan khi hoàn thiện hệ sinh thái trồng trọt và chăn nuôi, cũng như thể hiện sứ mệnh “dốc sức toàn tâm toàn lực” vào nền nông nghiệp Việt Nam.

Tăng nhiều chuỗi liên kết

Năm 2019, cùng với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, số lượng các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể.

Năm qua, đã xây dựng và vận hành ổn định gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 388 chuỗi so với năm 2018, với 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) với 3.267 địa điểm bán nông sản của chuỗi (tăng 93 địa điểm).

Thêm nhiều “ông lớn” đầu tư vào ngành nông nghiệp ảnh 2 Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đưa vào hoạt động Trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, là một trong những điểm nhấn của ngành nông nghiệp năm 2019.

 Bước đầu tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng, như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; Chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ba trục sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đến nay, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai theo ba trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm địa phương (OCOP), tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng KHCN cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…. Nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

Đang lưu ý, ở nhóm sản phẩm OCOP kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc.

Ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu) và 8 khu khác đang trong quá trình hoàn thiện đề án.

Cấp địa phương, có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư được UBND cấp tỉnh thành lập. Hiện cả nước có 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

MỚI - NÓNG