Thêm nhiều Cty trộn 'độc dược' vào thức ăn chăn nuôi

Lực lượng liên ngành bắt quả tang, xử lý, niêm phong với các lô hàng vi phạm chất cấm của Cty Trường Phú. Ảnh: Nam Khánh.
Lực lượng liên ngành bắt quả tang, xử lý, niêm phong với các lô hàng vi phạm chất cấm của Cty Trường Phú. Ảnh: Nam Khánh.
TP - Không chỉ sử dụng chất tạo màu vàng ô (sử dụng trong công nghiệp nhuộm, có khả năng gây ung thư), nhiều cơ sở  sản xuất thức ăn chăn nuôi còn dùng cả chất cấm tạo nạc “bung đùi, nở mông” Salbutamol, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Cám “công nghệ Mỹ” chứa chất cấm gấp 75 lần

Ngày 16/11, có mặt tại xưởng sản xuất cám Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Cty Trường Phú), ở KM 50, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương), chúng tôi thấy mùi nồng nặc khó thở từ các đống nguyên phụ liệu làm cám. Theo quan sát, nhà xưởng này nằm bên cạnh nhà kho chứa gạch, bên ngoài không treo biển hiệu gì.

Tiếp đoàn thanh tra đến làm việc, ông Đoàn Văn Thênh, Giám đốc Cty Trường Phú trong tâm trạng mệt mỏi, mặt đeo khẩu trang, đội mũ phớt nhằm tránh “ống kính” phóng viên. Ông Thênh nói tiếng nhỏ, ngắt quãng như đứt hơi: “Từ khi đoàn thanh tra phát hiện thấy chất vàng ô mấy ngày nay, tôi không ngủ được, quả này chắc phá sản”.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), sau khi “đột kích” và phát hiện chất tạo màu vàng ô từ cuối tuần trước, đoàn tiếp tục lấy 8 mẫu cám của Cty Trường Phú (3 mẫu ở xưởng và  5 mẫu ở các đại lý) để truy chất cấm.

Kết quả bất ngờ, khi có tới 7/8 mẫu (87%) cám cơ sở này “dính” chất cấm tạo nạc Salbutamol. Thậm chí có mẫu dư lượng tới 3.703 ppb, gấp 75 lần mức cho phép (ngưỡng máy phát hiện dương tính với chất cấm). “Tồn dư chất vàng ô và Salbutamol đều có thể gây ung thư. Cứ kiểu này, thì đời con cháu làm sao sống nổi”- ông Dũng thốt lên.

Xưởng sản xuất của Cty Trường Phú rộng khoảng vài trăm mét vuông, có một máy trộn, trên nền ngổn ngang nguyên liệu và nhiều lô cám đóng bao chưa kịp bán. Dù xưởng nhỏ, nhưng Cty Trường Phú có cả chục loại bao bì in sẵn với thương hiệu “Sunvina”, và quảng bá “sản xuất theo công nghệ Mỹ - USA” dành cho lợn thịt, gà, ngan, vịt thịt…

Tại xưởng, cơ quan chức năng đã phát hiện, niêm phong 2 thùng phuy nhỏ màu đen chứa chất vàng ô (mỗi thùng 30 kg). Theo hóa đơn, Cty Trường Phú đã mua 2 thùng hóa chất ở phố Hàng Buồm (Hà Nội), với giá 120-170 nghìn đồng/kg. Hiện Cty này đã sử dụng 46 kg, còn 14 kg chưa kịp trộn, bị đoàn thanh tra lập biên bản, niêm phong.

Trên các thùng chứa vàng ô, có đề chữ “Made in China”, được dùng cho công nghiệp nhuộm và không dùng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, có một thùng phuy màu đen khác chất Auramine 100%, có xuất xứ Trung Quốc, không được dùng trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Theo công thức trộn mà Cty Trường Phú sử dụng, cứ 2 lạng vàng ô sẽ “nhuộm” được 1 tấn cám, như vậy, với số lượng chất vàng ô mà công ty này sử dụng (khoảng 46 kg), số lượng cám chuyển tới 10 đại lý của công ty này bán đến người chăn nuôi tới hơn 230 tấn cám. Chưa kể, con số khoảng 30 kg Auramine, với công thức trên, có khoảng 150 tấn chứa vàng ô cám tung ra thị trường.

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) cho biết, cơ sở sản xuất của ông Thênh đã hoạt động từ tháng 6/2015 (trước đó hoạt động ở huyện Nam Sách, Hải Dương). Với công suất khoảng 200 tấn/tháng, cung ứng cho thị trường Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang. 

Theo các quy định hiện hành, Cty Trường Phú có thể bị xử phạt tổng số tiền 280 triệu đồng, buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô hàng có chất cấm và đình chỉ một tháng sản xuất.

Hàng loạt công ty “dính” chất cấm

Cũng trong ngày 16/11, cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng phuy màu đen chứa 20 kg chất vàng  ô và 10 vỏ thùng phuy chứa hóa chất tạo màu công nghiệp giấy tại kho của Nhà máy Chế biến Thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên). Các thùng phuy này nằm trong kho lụp xụp, ẩm mốc. Theo thông tin trên nhãn, mỗi thùng phuy có khối lượng khoảng 30 kg, các chất phẩm màu, không được sử dụng trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Theo đại diện Nhà máy Chế biến Thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long, đơn vị này chỉ là nơi gia công cho Cty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Toàn bộ công thức, nguyên liệu đầu vào, nhà kho chứa đều do Cty Việt Nhật cấp. Đoàn thanh tra đã lấy 28 mẫu cám tại Nhà máy Thăng Long để truy về Salbutamol.

Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra 15 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc, trong đó, phát hiện 7 doanh nghiệp vi phạm về sử dụng chất cấm Salbutamol và chất vàng ô, xử phạt gần 2 tỷ đồng (chưa kể các vụ việc do các đơn vị khác của Bộ NN&PTNT và các địa phương phát hiện).

Trong đó, tại khu vực phía Bắc, 3 doanh nghiệp là Cty THNH Thiên Tôn (Hải Dương) sử dụng phẩm màu công nghiệp bị xử phạt 120 triệu đồng (11 thùng phẩm màu, trong đó 4 thùng sử dụng dở); Cty Vimark (Bắc Giang) sử dụng cả chất Salbutamol và vàng ô bị xử phạt 170 triệu đồng; Cty Đại An Tín (Hải Dương) đang sử dụng và cất giữ 15kg chất Salbutamol bị xử phạt 140 triệu đồng.

Ông Dũng cho biết, các đối tượng vi phạm rất tinh vi, phải sử dụng nghiệp vụ trinh sát của công an mới định vị và bắt quả tang tận nơi. “Họ còn dùng thủ đoạn máy ghi âm và mua chuộc lực lượng thanh tra, nhưng chúng tôi cương quyết làm nghiêm để răn đe, làm đến nơi đến chốn”- ông Dũng nói.

Bổ sung vàng ô vào “danh mục chất cấm”

Ngày 16/11, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư, bổ sung 4 loại chất vàng ô vào “danh mục cấm” và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Ngoài ra còn có chất Auramine (màu vàng, sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm). Trước đây, chất vàng ô chỉ thuộc chất “ngoài danh mục cho phép”, nên mức phạt tối đa chỉ 30 triệu đồng. Khi được đưa vào “danh mục cấm”, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới 140 triệu đồng và các hình phạt bổ sung như thu hồi, tạm ngừng sản xuất.          

Nam Khánh

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.