Thêm di vật gợi mở về Hoàng cung Thăng Long

Hố khai quật điện Kính Thiên năm 2018 phát lộ thêm nhiều bí ẩn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Hố khai quật điện Kính Thiên năm 2018 phát lộ thêm nhiều bí ẩn. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - PGS.TS. Tống Trung Tín báo tin, trong cuộc khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên suốt năm 2018 mà bây giờ mới công bố, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích ao hồ mới, nhiều hiện vật để nghiên cứu về Hoàng cung Thăng Long thời Lê.

PHÁT HIỆN MỚI

Hố khai quật thăm dò năm 2018 có diện tích gần 1.000m2, được mở ra về phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên, phía đông Bắc hành cung thời Nguyễn. Trước khi báo cáo kết quả sơ bộ việc khai quật thăm dò khu vực này, sáng 16/5, PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam dẫn các nhà khoa học ra tận hố khai quật, giới thiệu sơ lược những phát hiện mới về địa tầng và di vật.

Về cơ bản địa tầng và địa tầng văn hóa của hố khai quật năm 2018 tương tự như các hố khai quật từ năm 2011 đến nay với đủ các dấu tích từ thời Đại La qua Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Tuy nhiên địa tầng và địa tầng văn hóa trong đợt khai quật mới nhất bị các đợt đào đắp, san lấp đời sau phá hủy nghiêm trọng các lớp văn hóa thời trước. Sự phá hủy làm mất cơ bản dấu tích văn hóa thế kỷ 9-10. Bờ phía Tây hố khai quật mới còn tương đối đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Đại La tới nay.

Quá trình khai quật giúp các nhà khoa học xác định dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần và một số dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Đối với kiến trúc thời Lê Trung Hưng, các nhà khai quật tìm thấy móng đường xếp bằng gạch thỏi và gạch chữ nhật. Hiện nay do hố đào nhỏ nên chưa rõ được quy mô, nhiều người dự đoán đây là dấu tích móng đường vào các cung điện phía sau cấm thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng.

Di tích này đang được tìm hiểu thêm tính chất và quy mô. Thời Lê Trung Hưng còn có dấu tích móng đá xếp gạch phía trên đang được dự đoán là loại hình ao/hồ hoặc hào trong Hoàng cung. Trong lòng hào nước tìm thấy những cấu kiện gỗ, một số mảnh rõ sơn son thếp vàng. PGS.TS. Tống Trung Tín cho rằng làm rõ được các chi tiết này các nhà khoa học có thêm câu trả lời về khu trung tâm chính điện Kính Thiên biến đổi qua các thời kỳ.

Lượng di vật trong đợt này thu được khá lớn, tính chất và loại hình tương tự các đợt khai quật trước nhưng có hai đặc điểm đáng lưu ý. Về gạch, ngói các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ men xanh, men vàng cùng các mảnh ngói trang trí rồng, gạch thông gió trang trí rồng còn nguyên vẹn. Số lượng hiện vật khá lớn so với năm 2017, nhất là loại hình vật ngói tráng men, kết nối với nhau tạo thành một con rồng cho nên có ý kiến gọi đây là “ngói rồng”, đầu ngói cũng được trang trí hình rồng.

Các hố đào này cũng xuất hiện nhiều mảnh gốm men thời Lê sơ, thời Mạc, ít thấy đồ gốm men thời Lê Trung Hưng. Có khá nhiều mảnh gốm sứ có trang trí rồng thuộc thời Lê sơ và thời Mạc. Đây là loại tư liệu tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống Hoàng cung Thăng Long thời Lê.

THIẾU NHẬN THỨC TỔNG THỂ

Cuộc khai quật mới đây được đánh giá đạt được thành công đáng ghi nhận, đáng kể nhất là cấu trúc hồ/ao hoặc hào có hình dạng phức tạp và dấu tích móng đá thời Lê Trung Hưng. “Điều đó cho thấy tầm quan trọng và giá trị to lớn của khu di tích chính điện Kính Thiên, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên, thêm tư liệu mới để khôi phục chính điện Kính Thiên”, PGS.TS. Tống Trung Tín nói.

TS. Phạm Quốc Quân đồng tình, đặt vấn đề cần làm rõ thêm về hệ thống ao hồ vừa phát hiện được để thêm cơ sở dữ liệu khôi phục điện. “Chúng ta cần khai quật thêm mới có nhận thức đầy đủ về không gian ao hồ, đường đi lối lại. Qua những kết quả khai quật, tôi nghĩ còn nhiều vấn đề phải có sự kết nối của nhiều đợt khai quật, tư liệu hóa kết quả thu được”, ông nói.

Chung quan điểm này, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội nên có chiến lược khai quật quy mô lớn hơn, bài bản hơn. “Chúng ta cứ đào đến đâu khen đến đó nhưng thiếu cái nhìn tổng thể, nên có chương trình nghiên cứu đánh giá quy hoạch mặt bằng tổng thể của thời Lê Trung Hưng phát lộ trong quá trình khai quật”, ông nói.

Ông phân tích sự phát lộ kiến trúc thời kỳ Lê Trung Hưng cho thấy quy hoạch khu vực điện Kính Thiên rất phức tạp, cần được làm rõ bên cạnh dấu tích thời Lý-Trần.

Phân tích dựa theo góc nhìn của người nghiên cứu và làm sử, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ghi nhận những phát hiện mới trong đợt khai quật lần này, nhất là việc làm rõ bản đồ Hồng Đức-bản đồ đưa lại nhiều tư liệu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17.

Theo GS. Ngọc, bản đồ Hồng Đức chỉ ra bên phải hướng Đông điện Kính Thiên có chữ Ngọc Hà, phía trái có “Chí Kính”. Ngọc Hà theo một số nhà khoa học giải thích là sông Ngọc. Nếu như vậy hệ thống nước ở khu vực này có từ sớm và được cải tạo. Đến thời Lê Trung Hưng, trước điện Ngọc Hà có dòng sông hoặc hồ lớn.

“Nếu các chuyên gia giải mã được bản đồ Hồng Đức thì sẽ làm rõ được quy mô điện Ngọc Hà. Tôi tin những gì chúng ta phát hiện được trong lần khai quật này chính là một phần móng của điện Ngọc Hà”, GS. Ngọc nói.

Ông đặt giả thiết sau khi điện này sụp đổ, phần kiến trúc và mái rơi xuống lòng sông vì thế chúng ta mới phát hiện được nhiều hiện vật thời Lê sơ, Lê Trung Hưng lẫn với các hiện vật Lý, Trần trong cuộc khai quật khảo cổ năm 2018. Ông cho rằng nếu các nhà khảo cổ mở rộng ra phía Đông dễ tìm thấy nền móng cung điện thời Lê Trung Hưng, làm rõ dấu tích điện Ngọc Hà sẽ làm rõ thêm trục trung tâm của cấm thành Thăng Long thời Trần.

Ghi nhận những kiến nghị của các nhà khoa học về sự kết nối và nhận thức tổng thể, PGS.TS. Tống Trung Tín khẳng định nghiên cứu này cần quá trình lâu dài, bắt buộc phải kết nối. “Đôi khi những chi tiết, thắc mắc về chuyên môn chưa giải đáp được tôi cho rằng do diện tích của chúng ta còn nhỏ lắm. Chúng ta tưởng khai quật được 10 nghìn m2 khu vườn Hồng là lớn, nhưng nhìn lại thấy vô cùng nhỏ bé vì toàn những kiến trúc phát hiện chưa được hoàn thiện”.

Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về kết quả khai quật điện Kính Thiên vừa qua. Ông nêu ý kiến, bên cạnh nhiệm vụ khai quật nghiên cứu di sản thế giới, Hoàng thành cũng phải quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy. Trung tâm mong muốn bên cạnh việc khai quật kết hợp đón khách tham quan các khu vực khai quật, bước đầu nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh và du khách. 

Thêm di vật gợi mở về Hoàng cung Thăng Long ảnh 2 Một số hiện vật ngói rồng thu được trong đợt khai quật điện Kính Thiên vừa qua. 
Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
MỚI - NÓNG