TỪ KHÔNG ÐẾN CÓ
“Bây giờ có Hoàng thành Thăng Long thì dễ rồi ai cũng thấy, nhưng trước đó không ai biết thành Thăng Long ở đâu, bằng xương bằng thịt thế nào”, PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, người chỉ huy các cuộc khai quật khảo cổ Hoàng thành 2002-2004 nói. Sở dĩ năm 2002 các nhà khảo cổ được phép đào ở khu Hoàng Diệu bởi Chính phủ chuẩn bị xây dựng Nhà Quốc hội, cho phép khai quật thăm dò. Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long. Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”, những người trong cuộc có dịp tiết lộ những câu chuyện chưa kể về tiến trình phát lộ di sản thế giới Hoàng thành.
“Những ngày tháng đó hay lắm. Đằng sau các nhà khảo cổ là các cuộc đàm phán của nhiều cấp”.
TS. nguyễn tiến Đông
PGS.TS Tống Trung Tín kể, GS Trần Quốc Vượng chính là người chọn ngày giờ để nhóm khai quật bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên. “Thầy bảo tôi chọn tuổi nào phù hợp để làm lễ, tôi bảo thầy cứ để em. Thầy hỏi không sợ à, tôi đáp ta nghiên cứu khoa học, tổ tiên sẽ phù hộ”, PGS Tín nói. Khi GS Trần Quốc Vượng làm lễ, ông Tín được yêu cầu “chạy đàn”. Chỉ mới đội bát hương chạy được nửa vòng bát hương trên đầu bùng cháy rồi mưa nhỏ bay bay. “Thầy Vượng bảo mưa móc xuất hiện, chính sử thời Lý chép mưa móc xuất hiện là điềm lành. Thầy bảo chắc ăn rồi, cứ thế làm”, PGS.TS Tống Trung Tín nhớ lại.
“Cái lạnh bây giờ làm tôi nhớ lại thời điểm bắt đầu khai quật cũng lạnh khủng khiếp”, TS Nguyễn Tiến Đông nói. TS Andrew Hardy, Viện Viễn đông Bác Cổ người cùng anh Đông biên soạn cuốn sách nhắc lại hình ảnh giới khảo cổ vượt qua thời tiết khắc nghiệt khi nóng như nung, lúc buốt giá ngâm trong bùn lầy ở khu khảo cổ Hoàng thành. “Nhìn công trường khai quật tôi chán nản. Có thể nói chưa bao giờ nhà khảo cổ học chán khai quật, nhưng khi ấy tôi chán vì cả công trường bề bộn, lõng bõng, bẩn thỉu mà lại chưa thấy gì cả. Tuy nhiên vào thời khắc tôi sờ dưới nước thấy những viên gạch xếp liền nhau bên cạnh trụ thời Lý khiến tôi ngất ngây. Tôi đề nghị máy bơm chạy hết cỡ, sau đó lộ ra cả vệt gạch 6-7m2 bên trụ đá kê cột thời Lý. Bộ mặt Hoàng thành dần lộ diện”, TS Nguyễn Tiến Đông nói.
Vượt qua những chán nản ban đầu, sau gần ba tháng kiên trì các nhà khảo cổ dần tiếp cận với hệ thống di tích thời Lý-Trần và Lê. Từ giấy phép khai quật thăm dò 2.000m2 ban đầu, tới năm 2004 các hố khai quật tạo nên cả công trường lớn với tổng diện tích gần 19 nghìn m2. Hệ thống các phế tích, di tích dưới lòng đất này chứng minh thời kỳ Thăng Long rực rỡ trong các pho sử sách chép là có thật.
CÂN NÃO
TS Nguyễn Hồng Kiên, một học trò thân cận với GS Trần Quốc Vượng bảo chuyện về khai quật Hoàng thành kể bao nhiêu cũng không đủ. Anh làm rõ cách nhận diện phế tích kiến trúc trong Hoàng thành. Những đầu phượng, đầu rồng, gốm quý không thiếu nhưng làm sao để thuyết minh cho người ngoại đạo hình dung về Hoàng thành, thuyết phục những người có thẩm quyền phải giữ bằng được di sản nghìn đời. TS Hồng Kiên kể khi anh Đông phát hiện chân tảng thời Lý, anh “hớt hơ hớt hải chạy tới đo đạc”. Anh Kiên và PGS Tống Trung Tín phải “chiến đấu kinh hoàng với Bộ Xây dựng”, bởi họ cho rằng không có loại gỗ nào có thể trụ được như thế. Với bề dày trùng tu đình chùa, TS Nguyễn Hồng Kiên khiến những người còn nghi ngờ phải tin vào hệ thống dấu tích đời Lý tìm thấy ở Hoàng thành.
Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Nhớ lại những tháng ngày phát lộ Hoàng thành Thăng Long, TS Nguyễn Tiến Đông bảo sau lưng các nhà khai quật là đội quân máy xúc, máy ủi chực chờ giám sát, chỉ chờ tới ngày di dời để san phẳng công trình khảo cổ này. “Những ngày tháng đó hay lắm. Đằng sau các nhà khảo cổ là các cuộc đàm phán của nhiều cấp”, TS Đông nói.
Trong trí nhớ của các nhà khảo cổ, bên trong bức tường 18 Hoàng Diệu các nhà khảo cổ làm việc, bên ngoài người dân tò mò nhìn vào. Khi những dấu tích kiến trúc Lý-Trần-Lê dần hiển hiện, mỗi ngày các nhà khảo cổ tiếp đón hai đoàn đại biểu họp quốc hội đến thăm. TS Nguyễn Tiến Đông là người được giao trách nhiệm cầm chiếc loa điện nho nhỏ, vận dụng mọi hiểu biết về lịch sử, khảo cổ để giải đáp thắc mắc, tuyên truyền về giá trị của Hoàng thành. “Chuyện có người hỏi Trần Quốc Tuấn, Trần Hưng Đạo có phải hai anh em không là chuyện có thật”, TS Đông nói.
“Toàn bộ khu vực trên 48 nghìn m2, chúng tôi đề nghị được khai quật hết trước khi di dời. Mới đào hết gần 19 nghìn m2 đã thấy nhiều di tích lắm rồi, tuy nhiên lại xảy ra câu chuyện sắp tới thời hạn thực hiện lệnh di dời. Trước đó thầy Vượng thương bọn tôi, thương di sản nên mời PGS.TS Nguyễn Văn Huy vào khảo sát để tư vấn về việc giữ khu nào A hay khu B. Tôi nung nấu ý nghĩ không giữ một hay hai hố mà phải giữ tuốt”, PGS.TS Tống Trung Tín kể.
PGS.TS Tống Trung Tín nhớ lại ngày thuyết trình luận cứ trình bày để giữ lại hố khai quật bên Hoàng Diệu. Mọi người đinh ninh ông thuyết phục hội đồng 21 người giữ một, hai hố làm chứng tích cho muôn đời sau, ai dè ông kiến nghị giữ tổng thể. “Tôi vừa trình bày vừa hồi hộp, nói xong không ngờ phần lớn hội đồng ủng hộ. GS Phan Huy Lê có bài diễn văn rất hay, đánh giá lại giá trị, phân tích việc giữ hay bỏ nguy hại ra sao. Cụ kết: Những ai không đề nghị giữ Hoàng thành là có tội dân tộc và con cháu mai sau”, PGS Tín nói. Sau kiến nghị này, tiếng vang của kết quả khảo cổ 18 Hoàng Diệu bung ra cả nước và quốc tế. Các cấp thẩm quyền cao nhất sau đó ra những quyết sách thấu đáo để bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long.
Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long. Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” tập hợp nhiều bài viết của các nhà khảo cổ trong cuộc, các nhà nghiên cứu lịch sử. Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông ấp ủ cuốn sách từ năm 2006 nhưng tới nay mới có thể ấn hành. Nhiều tác giả có bài viết không còn nữa như PGS.TS Diệp Đình Hoa, gần nhất là GS Phan Huy Lê. PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, so với nhiều ấn phẩm về Hoàng thành trước đây, cuốn sách này đóng góp lớn để phổ biến kiến thức khảo cổ học về Hoàng thành cho đông đảo đối tượng, không đơn thuần là tập hợp của những bài viết mang tính khoa học cao cho giới nghiên cứu.