Mộc bản kể chuyện khởi dựng Hoàng thành

Một số hiện vật Mộc bản trưng bày tại Hoàng thành. Ảnh: BẢO HÂN
Một số hiện vật Mộc bản trưng bày tại Hoàng thành. Ảnh: BẢO HÂN
TP - Bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn được  lựa chọn để kể lại câu chuyện Hoàng thành Thăng Long tại triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn-di sản tư liệu thế giới”, khai mạc 23/11.

Triển lãm là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước. Lần đầu tiên những người thực hiện khai thác đa dạng nguồn tư liệu Mộc bản triều Nguyễn và kho tư liệu hình ảnh khảo cổ, di sản Hoàng thành Thăng Long. Người xem có cái nhìn khái quát về quá trình khởi dựng, sự thay đổi cấu trúc không gian của kinh thành qua từng thời kỳ Lý-Trần, Lê sơ, Mạc-Lê Trung Hưng, thời Nguyễn và hình hài Trung tâm Hoàng thành thời nay.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép rõ về lịch sử xây dựng Hoàng thành Thăng Long. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư khắc về việc ra đời thành Đại La: Trương Bá Nghi cho đắp thành Đại La vào năm Đại Lịch thứ 2 (767), đến năm 791 Triệu Xương đắp thêm, năm 808 Trương Chu sửa lại La Thành. Năm 866 Cao Biền giữ phủ xưng vương cho xây đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, chân thành cao 2 trượng 6 thước, lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, cùng làm nhà cửa hơn 4 vạn gian. Những tư liệu quý này phác lên khu kinh thành Thăng Long qua nhiều triều đại lịch sử với những dấu mốc quan trọng như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, vua Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh.

Đi kèm số mộc bản về Hoàng thành là một số dụng cụ để chế tác, in ấn mộc bản như ván khắc bằng gỗ thị, bộ dụng cụ chạm khắc, giấy dó, dụng cập dập in, mực in, bản dập mộc bản. PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết đây là dịp cung cấp thêm tư liệu quý về di sản Hoàng thành. Người xem cũng hình dung rõ hơn về Hoàng thành qua tư liệu hình ảnh, chẳng hạn đặc điểm nổi bật của kiến trúc bát giác, dấu tích 18 móng trụ ở thời Lý.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước ký kết thoả thuận hợp tác tới năm 2021, nhằm phối hợp trưng bày, triển lãm và xuất bản các ấn phẩm quảng bá hơn nữa các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, tài liệu lưu trữ tiêu biểu của Hà Nội cũng như khu di sản thế giới Hoàng thành, khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

MỚI - NÓNG