Thêm ẩn số trên thị trường vàng

Thêm ẩn số trên thị trường vàng
Sau thời điểm các ngân hàng hoàn tất việc tất toán trạng thái 30/6, giao dịch trên thị trường vàng không mấy sôi động. Các đầu mối trực tiếp kinh doanh hay ở cấp quản lý đều cho hay, chủ yếu vẫn là hoạt động mua vào nhỏ lẻ của dân cư…

Thêm ẩn số trên thị trường vàng

> Vàng sẽ đạt mốc 40 triệu đồng/lượng?
> Vàng tăng, cửa hàng lại nhộn nhịp khách

Sau thời điểm các ngân hàng hoàn tất việc tất toán trạng thái 30/6, giao dịch trên thị trường vàng không mấy sôi động. Các đầu mối trực tiếp kinh doanh hay ở cấp quản lý đều cho hay, chủ yếu vẫn là hoạt động mua vào nhỏ lẻ của dân cư…

Giả thiết đặt ra là chính một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phải tất toán trạng thái vàng
Giả thiết đặt ra là chính một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phải tất toán trạng thái vàng.

Thế nhưng, lượng hàng Ngân hàng Nhà nước chào bán qua các phiên “hậu 30/6” vẫn bị vét gần như sạch sẽ. Lực cầu còn từ đâu nữa ngoài dân cư, hay vàng cứ tun hút đi đâu?

Doanh nghiệp cũng… tất toán?

Khoảng 47 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cung ra. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ước tính chỉ khoảng hơn chục tấn là thực sự được bán ra thị trường, phần lớn còn lại là dùng để tất toán cho các trạng thái khác nhau ở các đối tượng khác nhau.

Với một thị trường có nhu cầu ước tính trên dưới 100 tấn mỗi năm, lượng hàng trên vẫn còn nhỏ đối với sự kìm cung trong khoảng hai năm qua. Đáng chú ý, sau khi lực cầu tất toán của các ngân hàng thương mại đã xử lý xong, vẫn còn một ẩn số ở nhu cầu “tất toán” của các doanh nghiệp.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm ngừng dịch vụ giữ hộ vàng. Thị trường có nhiều thông tin phản ánh một số doanh nghiệp kinh doanh vàng nhảy vào thay thế. Và trước đó, họ cũng tổ chức huy động vàng giống như nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, doanh nghiệp huy động vàng theo các kỳ hạn, ứng với lãi suất từ 1,2%/năm đến gần 2%/năm. Cùng với lượng vàng giữ hộ, các đầu mối này giữ một nguồn vốn bằng vàng trong thời gian qua; quy mô của chúng hiện cũng là một ẩn số.

Vấn đề là, các doanh nghiệp huy động vàng để làm gì? Dĩ nhiên phải dùng chúng để tạo ra lợi nhuận. Có những cách dùng khác nhau, trong đó phát sinh nhu cầu đến nay phải gom lại để trả cho người gửi. Nói cách khác, giả thiết đặt ra là chính một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phải tất toán trạng thái vàng, nhất là khi gần đây Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo kiểm tra hoạt động của các đầu mối, cũng như rà soát lại dịch vụ giữ hộ vàng.

Có đòn bẩy từ tín dụng?

Một ẩn số nữa tác động đến lực cầu trên thị trường vàng thời gian qua và hiện nay là đòn bẩy tín dụng.

Về lý thuyết và quy định pháp lý, các ngân hàng thương mại không được phép cho vay đầu tư vàng. Song thực tế có thể phát sinh, nên ẩn số này bằng “0” hay đáng kể chỉ người trong cuộc biết.

Trong hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh vàng hoàn toàn có quyền vay vốn, bởi có những mục đích sử dụng vốn khác nhau. Vấn đề là vốn vay có rẽ sang đầu tư vàng hay dùng để tham gia đấu thầu vàng hay không, qua các kỹ thuật chuyển hóa cho hợp thức?

Được biết, thời gian qua, tín dụng tạo đòn bẩy cho đầu tư vàng cũng là một điểm ngắm của cơ quan thanh tra giám sát. Làm chặt được khâu này, thị trường vàng sẽ bớt đi tác động ảo, hay hạn chế sức gom hàng của những đầu mối có ý đồ “sử dụng ngoại lực”.

Cùng với việc xử lý xong việc tất toán trạng thái tại các ngân hàng thương mại, nếu xử lý chặt được hai ẩn số trên tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng, lực cầu trên thị trường sau đó sẽ thuần hơn về nhu cầu thực của dân cư.

Còn đấu thầu được bao nhiêu?

Không có con số cụ thể cho câu hỏi này. Chỉ có một khẳng định: thị trường vẫn thiếu cung thì Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tạo cung. Bởi lẽ, hiện tại cơ quan này đã độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng.

Trong lần trao đổi với báo chí trước đây, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm: trong từng thời điểm, việc bình ổn giá và thu hẹp chênh lệch so với giá thế giới là không khó, chỉ việc tung hàng đủ lớn để đè cầu; nhưng sẽ rất khó để bình ổn thị trường trong dài hạn, hạn chế được những xáo trộn của nó đối với các yêu cầu cân đối khác.

Như thời điểm này, giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh những ngày đầu tuần, giá trong nước cùng bắt nhịp. Nếu giá vàng bước vào sóng tăng thực sự, tâm lý “yêu thích” vàng trong dân cư dễ bị khuếch đại thêm khi mà lãi suất huy động VND đã bớt đi hấp dẫn, ngoại tệ hẹp cửa đầu cơ bởi cam kết giữ ổn định tỷ giá… Theo đó, vốn sẽ lại dồn thêm vào vàng, thanh khoản hệ thống và lãi suất có thể tăng lên là điều có lẽ Ngân hàng Nhà nước quan ngại.

Như trên, hiện Ngân hàng Nhà nước là đầu mối duy nhất tạo cung vàng miếng. Trong sóng tăng đang định hình, nếu kìm cung sẽ càng gây căng giá và khuếch đại thêm tâm lý thị trường. Thế nên sau khi ngãng ra trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã mở tiếp phiên đấu thầu thứ hai trong tuần này để tạo cung vào ngày mai (24/7).

Có một điều chỉnh đáng chú ý trong phiên đấu thầu ngày mai là khối lượng tối đa mà mỗi thành viên được phép đặt thầu đã được rút xuống còn 3.000 lượng. Trước đó, mức tối đa cũng đã thu hẹp từ 10.000 xuống còn 5.000 lượng sau 30/6. Điều chỉnh này đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng thu gom của mỗi thành viên.

Và nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, bên cạnh việc hạ tiếp khối lượng tối đa đặt mua, vẫn còn một van nữa là thu hẹp trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại (hiện áp 2% vốn tự có).

Theo Minh Đức
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG