Trận động đất thứ 4 tại khu vực này xảy ra vào 23h2 phút 50 giây (giờ Hà Nội) đêm qua (25/11) với độ lớn 2.6 độ richter tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trận động đất thứ 5 xảy ra lúc 8h52 phút 41 giây (giờ Hà Nội) sáng nay (26/11) với độ lớn 2.5 độ richter cũng tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Theo các chuyên gia, hai trận động đất này là dư chấn của trận động đất 5,4 độ richter xảy ra tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) lúc 8h18 phút sáng qua, gây rung chấn cho một loạt các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ. Đặc biệt, người dân thủ đô sống và làm việc tại các tòa chung cư cao tầng cảm nhận rất rõ rung lắc.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, mỗi trận động đất thường có tiền chấn, chủ chấn và dư chấn. Trong đợt động đất vừa xảy ra ở Cao Bằng, chủ chấn có thể là động đất 5,4 độ richter, các trận động đất sau đó là dư chấn.
Trước lo ngại động đất liệu có xảy ra ở Hà Nội, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, trận động đất xảy ra ở Lào và các trận động đất ở biên giới phía Bắc sáng qua nằm trên hai đới đứt gãy khác nhau và không cùng đứt gãy chạy qua thủ đô Hà Nội.
Trận động đất tại Lào xảy ra trên đứt gãy Lai Châu- Điện Biên, là hệ thống đới đứt gãy kéo dài từ vùng Tây bắc Việt Nam chạy qua Lào, sang Thái Lan. Đây là đới đứt gãy hoạt động mạnh với nhiều trận động đất tương đối lớn. Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận ở đây là 6,3 độ richter.
Động đất ở Cao Bằng xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên, cũng là một đứt gãy hoạt động khá mạnh, nhất là phần đầu đứt gãy chảy qua Cao Bằng-Lạng Sơn, đoạn cuối Lạng Sơn - Quảng Ninh hoạt động yếu hơn.
Trong khi đó, theo nghiên cứu, thủ đô Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động động đất yếu và trung bình. Vì vậy, khi rộ lên nhiều trận động đất, người dân có thể lo lắng. Tuy nhiên đây là những hoạt động rất bình thường. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đang theo dõi chặt chẽ, nếu có bất thường sẽ thông báo tới người dân.