Theo một nguồn tin quốc phòng Mỹ được The Times phỏng vấn, Lầu Năm Góc rõ ràng đã thay đổi lập trường về vấn đề này, vì họ bớt lo ngại rằng các cuộc tấn công như vậy có thể làm leo thang xung đột.
Lầu Năm Góc “không còn nói với Kiev rằng: đừng tấn công người Nga ở Nga hoặc Crimea”, nguồn tin nói. “Chúng tôi không thể bảo họ phải làm gì. Việc họ sử dụng vũ khí như thế nào là tùy thuộc vào họ.” Washington chỉ yêu cầu Kiev tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như Công ước Geneva khi sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Lầu Năm Góc cũng được cho là đã thay đổi cách đánh giá về các mối đe doạ liên quan đến xung đột Ukraine, đặc biệt là liệu việc cung cấp vũ khí cho Kiev có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga hay không.
“Chúng tôi vẫn đang sử dụng các phương thức tính toán rủi ro như cũ, nhưng nỗi sợ leo thang đã thay đổi so với lúc đầu”, một quan chức Mỹ nói với hãng tin.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Lầu Năm Góc hiện được cho là đang "nghiêm túc" xem xét các yêu cầu của Ukraine về vũ khí tầm xa có thể sử dụng cho các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Đầu tháng này, Ukraine được cho là đã tiến hành một cuộc tấn công vào hai căn cứ không quân Nga ở vùng Ryazan và Saratov, cả hai đều cách biên giới với Ukraine vài trăm kilomet. Vụ tấn công được tiến hành bằng một số máy bay không người lái "do Liên Xô sản xuất", theo Bộ Quốc phòng Nga, làm 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương.
Sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng Washington “không khuyến khích cũng như không tạo điều kiện cho quân đội Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố hôm 8/12 rằng, trong khi Washington và Kiev thống nhất các lực lượng Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, thì điều này không áp dụng cho Crimea vì Kiev vẫn coi bán đảo này là lãnh thổ Ukraine.
Hồi tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Mỹ rằng nếu nước này cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev, thì điều này sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và khiến Mỹ trở thành “một bên trực tiếp của cuộc xung đột”.