Khoảng tháng 9/2017, trong cuộc gặp với một người thân tín của ông bầu Đoàn Nguyên Đức tại TP Hồ Chí Minh, tôi được chia sẻ một thông tin: anh Đức muốn đóng góp điều gì đó tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam trước khi rút lui khỏi vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Đó là việc mời HLV mới cho đội tuyển Việt Nam, thay HLV Hữu Thắng. Người được chọn sau đó là HLV Park Hang Seo, bầu Đức đồng thời trả luôn khoản lương của ông Park.
Tôi đã chọn cách không công bố thông tin trên, một phần bởi người chia sẻ muốn mọi việc xong xuôi, đồng thời ở góc độ nghề nghiệp, tôi xác định thời điểm trên nếu tin đưa ra, bầu Đức có thể hứng chịu nhiều chỉ trích. Đội tuyển U22 Việt Nam vừa thất bại ở SEA Games 2017, và trước đó là thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016. Cả hai đều gắn với HLV Hữu Thắng, người được một tay bầu Đức đưa lên thay ông Toshiya Miura.
Thực tế quá trình lựa chọn, đàm phán HLV mới sau đó của VFF diễn ra rất nhanh chóng. Ba lãnh đạo VFF trực tiếp sang Hàn Quốc tham gia đàm phán gồm bầu Đức, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn và TTK Lê Hoài Anh. Thời điểm trên, một bộ phận dư luận đã chỉ trích rất gay gắt khi chỉ trích VFF làm việc “mờ ám”, còn bầu Đức cũng bị tiếng muốn thao túng ghế HLV trưởng ĐTQG để có lợi cho HAGL. Có những người đã đặt vấn đề về năng lực của ông Park Hang Seo.
Giới bóng đá thừa hiểu với nhau, đằng sau cuộc tấn công trên (của một bộ phận nhỏ những người ác ý), là cuộc đua nhắm tới những chiếc ghế trong bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, ứng viên nặng ký nhất, là đích ngắm lớn nhất, bị tập trung nhiều nhất. Tuy nhiên các đội tuyển Việt Nam, từ U23 tới Olympic và mới đây là ĐTQG lại thi đấu rất thành công dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo!
Nhắc lại chuyện này bởi sau chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam, giới bóng đá lại được chứng kiến một cuộc “lật ngược ngôn từ”, tung ra những thông tin thất thiệt liên quan đến việc đàm phán, ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo của VFF mà bầu Đức chính là một thành viên, dưới vỏ bọc của những lời tri ân đối với ông bầu đội bóng phố núi.
Việc trả lương cho HLV ngoại của VFF lâu nay luôn theo công thức Tổng cục TDTT chi trả một phần, và phần còn lại VFF chi trả, có thể dựa vào nguồn tài trợ. Các đời HLV ngoại trước, ví dụ như ông Henrique Calisto cũng từng có doanh nghiệp tài trợ lương, nhưng không cần công khai danh tính. Trong trường hợp không phải HAGL, VFF hoặc buộc phải chi tiền túi với sự hỗ trợ của Tổng cục TDTT, hoặc phải tìm nhà tài trợ khác. Nói vậy không phải có ý đánh giá thấp đóng góp của bầu Đức và HAGL mà cần thấy trong bối cảnh tập đoàn gặp khó khăn về kinh tế, đây là tâm huyết của bầu Đức, rất cần được trân trọng. Tuy nhiên, đây là sự tự nguyện chứ không có việc VFF ép hay phó mặc cho bầu Đức lo. Ở VFF, thật khó tin có ai đủ khả năng để buộc bầu Đức làm điều gì khi ông không thích.
Trong bóng đá, ranh giới giữa người hùng và tội đồ đôi khi rất mong manh. Sự khác biệt có thể chỉ là việc chúng ta lựa chọn cách phản ứng. Ông Park Hang Seo đang rất thành công, nhưng HLV Nguyễn Hữu Thắng ngày xưa từng thất bại. Điều quan trọng khi muốn dành lời cảm ơn hay chỉ trích ai đó, có lẽ là việc cần phân định rõ trách nhiệm của những người liên quan. Ví như bầu Đức chịu trách nhiệm gì ở VFF, hay VFF chịu những trách nhiệm gì đối với nền bóng đá. Có vậy, hỏng khâu nào thì mới biết ai là người phải chịu trách nhiệm.
Liệu có công bằng và chính xác không khi cùng một đối tượng (ví như ĐTQG) nhưng khi thành công thì công lao được quy về người này, còn lúc thất bại thì trách nhiệm được đẩy sang người khác? Đối với vấn đề này, truyền thông giữ vai trò quan trọng nên nếu truyền thông lệch đường, dư luận có thể bị “đầu độc” bởi những thông tin phiến diện, thiếu chính xác và mang động cơ thiếu trong sáng. Bóng đá vô tình cũng bị gây hại chỉ bởi lợi ích của một nhóm nhỏ.