Hai bộ mặt của Ban Kỷ luật VFF

Sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội, Samson mới bị phạt nguội treo giò 2 trận ở tình huống “tranh chấp bóng mang tính chất liều lĩnh”, theo đánh giá của BTC V-League. Ảnh: VSI.
Sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội, Samson mới bị phạt nguội treo giò 2 trận ở tình huống “tranh chấp bóng mang tính chất liều lĩnh”, theo đánh giá của BTC V-League. Ảnh: VSI.
TP - Đối với nhiều vụ việc cùng tính chất, các quyết định kỷ luật của Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra lại rất khác nhau. Giai đoạn cuối mùa giải bóng đá VĐQG Toyota V-League 2017, VFF bị cho là “rón rén” khi xem xét kỷ luật các đội bóng.

Phút 36 trận đấu giữa Khánh Hòa-SLNA diễn ra hồi cuối tuần trước, do bị Huy Hoàng (số 28) Khánh Hòa kèm sát, Olaha Onyedikachi của SLNA đã vung cùi chỏ, đánh thẳng vào mặt hậu vệ này. Với pha “ra đòn” của Olaha, Huy Hoàng đã ôm mặt lăn xuống sân. Tuy nhiên do hạn chế góc quan sát, trọng tài Trần Định Thịnh không nhìn thấy tình huống này và Olaha không bị phạt thẻ.

BTC Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sau đó đã có văn bản thông báo tới Ban Kỷ luật VFF để có hình thức xử lý đối với ngoại binh SLNA. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi xem xét, Ban Kỷ luật VFF đã không đưa ra án phạt bổ sung nào với Olaha. Quyết định này đã khiến cả BTC VPF cũng “té ngửa” vì ngạc nhiên. Lý do phía Ban Kỷ luật VFF đưa ra là hành vi đánh nguội của Olaha “không rõ ràng mang tính bạo lực”. Một quan chức BTC V-League chia sẻ, dù rất muốn phạt Olaha để ngăn chặn các tình huống tương tự xảy ra ở giải đấu nhưng đành…chịu vì vướng quyết định của Ban Kỷ luật VFF.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên vì với pha đánh nguội của Olaha, nếu bị phát hiện trọng tài hoàn toàn có thể phạt thẻ đỏ. Những hành vi như vậy cần phải bị xử lý nếu muốn V-League có thể nâng chất, khiến cầu thủ thi đấu với ý thức chuyên nghiệp hơn”-quan chức VPF trên cho biết.

Cũng ở lượt trận 23, SHB Đà Nẵng của ông bầu Đỗ Quang Hiển ở trận đấu với Quảng Nam đã phải nhận 2 thẻ đỏ của Đỗ Merlo và Gramoz đều vì lỗi đánh nguội. Tuy nhiên, Ban Kỷ luật VFF cho rằng án phạt thẻ đỏ với Merlo là đủ xác đáng, nên không áp dụng thêm hình thức xử phạt tăng nặng. SHB Đà Nẵng vì vậy vẫn nguyên vẹn lực lượng mạnh nhất cho các lượt trận cuối mùa giải.

Xử án, lúc mau lúc chậm

Đã có nhiều ý kiến trong giới nhận xét, càng về cuối giải, VFF càng “rón rén” hơn trong việc xử phạt các đội bóng do lo ngại ảnh hưởng tới thành công của giải đấu. Đặc biệt đối với các vụ việc liên quan những đội bóng “nhạy cảm”, như đang trong cuộc đua vô địch hoặc của các ông bầu “có máu mặt”, quyết định của Ban Kỷ luật VFF cũng mang tính chất “an toàn” nhiều hơn.

Các đội bóng cũng có quyền đặt ra câu hỏi về tính công minh của BTC giải cũng như VFF đối với các thành viên tham gia giải đấu. Đơn cử như hồi đầu mùa giải tại vòng 3, trận đấu giữa CLB Hà Nội với HAGL diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy. Ở trận đấu này, tiền đạo Samson của CLB Hà Nội đã có pha đạp bóng ác ý vào hậu vệ đội khách Châu Ngọc Quang. Tuy nhiên thời điểm trên, BTC giải trực tiếp là Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc đã “viện” đến Ban Trọng tài để bảo vệ cho pha bóng của Samson với đánh giá đây chỉ là tình huống “tranh chấp bóng mang tính chất liều lĩnh” để từ chối ra án phạt bổ sung đối với tiền đạo CLB Hà Nội. Chỉ sau khi bị dư luận phản ứng quyết liệt, VFF mới ra án phạt nguội cấm thi đấu 2 trận Samson.

Lượt trận 22, HLV Petrovic của FLC Thanh Hóa phản ứng trọng tài sau trận thua 3-4 trước Than Quảng Ninh. Vì lỗi này, ông Petrovic lập tức bị VPF gửi công văn do Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc ký, đề nghị Ban Kỷ luật VFF xem xét “có hình thức xử lý”. Một án phạt cấm chỉ đạo trận đấu, nếu xảy ra đối với ông thầy người Serbia, có thể đẩy FLC Thanh Hóa vào thế bất lợi trong cuộc đua vô địch với Quảng Nam và CLB Hà Nội. May cho đội bóng xứ Thanh khi sau đó, Ban Kỷ luật VFF chỉ cảnh cáo, phạt 10 triệu đồng ông Petrovic. Cùng hành vi phản ứng trọng tài, 2 lần liền, quyền Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh Lê Công Vinh chỉ bị BTC giải gửi công văn “nhắc nhở”.

Đầu mùa giải, VFF và VPF đều cảnh báo sẽ xử nghiêm các vi phạm ở V-League nhằm giúp giải đấu ngày một sạch và đẹp hơn. Nhưng giữa nói và thực tế làm có vẻ như vẫn còn một khoảng cách, chưa kể lại có độ “vênh” đối với từng đội bóng.                                                                                                    

MỚI - NÓNG