Duy trì động lực thi đấu cho các cầu thủ luôn là công việc khó khăn với bất kỳ HLV nào khi dẫn dắt một tập thể đã “no nê” thành công. HLV Park Hang Seo không phải trường hợp ngoại lệ. Hai năm qua, các đội bóng của ông Park liên tục gặt hái thành công ở nhiều mặt trận: Á quân VCK U23 châu Á 2018, Vô địch AFF Cup 2018, tiến sâu ở cả Asiad 2018 và Asian Cup 2019 trước khi “chốt” lại bằng chiếc HCV SEA Games 22 tại Philippines của đội tuyển U22 Việt Nam.
Ở tất cả các giải đấu trên, có thể thấy HLV Park Hang Seo duy trì một bộ khung cơ bản ổn định với nhiều gương mặt thuộc biên chế ở cả đội U23 và đội tuyển Việt Nam. Chiến lược gia Hàn Quốc chỉ tích cực thử nghiệm ở giai đoạn đầu, còn sau đó, khi mọi thứ đã “vào khuôn”, ông Park có xu hướng gần như không thêm nhiều nhân tố mới.
Điều này không có gì lạ bởi ít HLV nào lại thay đổi đội hình đã ổn định, thấm nhuần triết lý bóng đá của mình, ngoại trừ các lý do bất khả kháng như chấn thương, sa sút phong độ. Lý do duy nhất để ông Park phải nghĩ tới sự thay đổi chỉ là việc tuyển Việt Nam hiện không còn tạo được bất ngờ với các đối thủ, lối chơi đã bị “bắt bài”, cũng như cần chuẩn bị lực lượng trong dài hạn.
Nếu xét về phong độ, năm 2020, Văn Quyết thậm chí không tạo ấn tượng mạnh hơn so với năm 2019. Mùa giải 2019 là năm đỉnh cao của CLB Hà Nội khi tiến sâu ở AFC Cup, vô địch V-League. Văn Quyết toả sáng ở mọi mặt trận của đội bóng với hiệu suất ghi bàn cực cao. Tuy nhiên, anh vẫn bị ông Park bỏ qua chỉ với lý do đơn giản là không phù hợp với lối chơi của đội tuyển Việt Nam.
Nếu chỉ vì lý do trên thì việc ông Park triệu tập Văn Quyết vào đội tuyển Việt Nam lần này sẽ rất khó giải thích. Nhưng nhìn từ góc độ tạo tính cạnh tranh cho đội tuyển Việt Nam như ông phát biểu mới đây thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. Không chỉ Văn Quyết, HLV Park Hang Seo còn triệu tập cả thủ môn Bùi Tấn Trường, vốn đã bị lãng quên rất lâu ở các ĐTQG. Đó không gì khác ngoài thông điệp truyền tới các cầu thủ vốn đã no nê danh hiệu và cả những gương mặt trẻ khác: hãy cố gắng và cơ hội sẽ mở ra.
Lần tập trung này, Văn Quyết dù dày dạn kinh nghiệm và nhiều tuổi (chỉ kém Bùi Tấn Trường), nhưng băng thủ quân tuyển Việt Nam lại được trao cho trung vệ Quế Ngọc Hải. Ở CLB Hà Nội, Văn Quyết mặc áo số 10 nhưng khi lên tuyển, anh khoác áo số 11. Chiếc áo số 10 thuộc về tiền đạo Công Phượng. Nó là một thông điệp khác, rằng đội tuyển Việt Nam đã chuyển giao cho một thế hệ mới.
Về chuyên môn, khi đội tuyển Việt Nam thực sự “vào việc”, rất nhiều khả năng HLV Park Hang Seo sẽ lại trở về với bộ khung cũ, gồm những cái tên đã chinh chiến khắp các mặt trận lâu nay. Cơ hội sẽ chỉ mở ra cho một số ít gương mặt mới, vào những thời điểm cụ thể tuỳ thuộc yêu cầu điều chỉnh chiến thuật cũng như tính chất trận đấu. Điều này không mang ý nghĩa tiêu cực bởi về thực tế, đội tuyển Việt Nam rõ ràng cũng cần hướng tới các giá trị mới.
Những tên tuổi như Văn Quyết hay Bùi Tấn Trường sẽ dần phải lùi lại phía sau.