Thực tế thì ngành thể thao chưa hề công khai “đóng cửa” với phương án doanh nhân ngồi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VFF. Yêu cầu đặt ra, người được chọn phải là một nhân vật có tầm, thực sự tâm huyết, có thời gian dành cho bóng đá. Tuy nhiên, “đếm đi, đếm lại” cũng chưa có phương án nào thực sự thuyết phục.
Một dạo, giới bóng đá cũng ồn ào nhắc tới ông bầu Đỗ Quang Hiển, người hiện có sức ảnh hưởng tới hơn 4 đội bóng ở V-League. Nhưng ông Hiển nhanh chóng lên tiếng từ chối. Dù có quyền lực rất lớn đối với V-League, bầu Hiển không được nhiều CĐV yêu mến như đối với những ông bầu khác, như bầu Đức (HAGL) hay bầu Thắng (Long An) do những điều tiếng liên quan tới 4 đội bóng trong tầm ảnh hưởng.
Chiếc ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII vì lý do trên, gần như chắc chắn sẽ do một người nhà nước đảm nhiệm. Ông Lê Hùng Dũng, sẽ nghỉ ở đại hội sắp tới, trở thành trường hợp hiếm hoi trong lịch sử bóng đá Việt Nam là doanh nhân từng đảm nhiệm vị trí này. Nhân bàn việc này, ít có nhiệm kỳ nào mà cho tới sát ngày đại hội, nhân sự ứng viên chủ tịch lại khiến ngành thể thao phải cân nhắc nhiều đến vậy. Một loạt ứng viên đã được đưa ra, nhưng chưa phương án nào toàn vẹn.
Tại đại hội thường niên diễn ra hôm 2/12 mới đây, VFF đã thống nhất tổ chức đại hội nhiệm kỳ VIII vào tháng 3/2018. Nhưng do công tác chuẩn bị còn thiếu quá nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là vấn đề nhân sự, VFF đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể xin phép Bộ Nội vụ để ấn định thời gian cụ thể tổ chức đại hội.
“Để tổ chức đại hội nhiệm kỳ, công tác chuẩn bị phải “hòm hòm” thì chúng tôi mới có thể đề nghị Bộ Nội vụ cho phép tổ chức. Nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm, gồm cả nhân sự”-TTK Lê Hoài Anh hôm qua cho biết.
Trong thời gian vừa qua, một loạt ứng viên đã được nêu ra. Tuy nhiên, hiện có 3 gương mặt đang được người trong giới nhắc tới nhiều nhất, đều trong ngành thể thao là Thứ trưởng Lê Khánh Hải, ông Huỳnh Vĩnh Ái và Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn.
Ông Lê Khánh Hải từng là ứng viên Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, nhưng sau đó không ra tranh cử. Đối với chức chủ tịch VFF, cho tới nay Thứ trưởng Lê Khánh Hải chưa thể hiện sự mặn mà. Người trong cuộc cũng tin rằng, đây là lý do chính giúp ông Lê Hùng Dũng thuận lợi trong cuộc đua dăm năm trước. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn trên thực tế nắm quyền quản lý VFF suốt thời gian vừa qua, khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng gặp vấn đề về sức khoẻ.
Ông Trần Quốc Tuấn là người thạo việc, kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm, nhưng việc lựa chọn ông lại là phương án ngành thể thao cần nhiều sự dũng cảm. Ông Huỳnh Vĩnh Ái có thể là phương án an toàn, trong trường hợp ngành thể thao không muốn bóng đá Việt Nam tạm thời yên ổn, trong bối cảnh liên tục ồn ào thời gian vừa qua. Ông Huỳnh Vĩnh Ái vừa nghỉ hưu, thôi chức Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL từ ngày 1/12 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT cho biết, ở đại hội VIII, ngành sẽ tôn trọng lựa chọn của các thành viên VFF để chọn ra vị trí Chủ tịch. “Quan điểm của chúng tôi, Chủ tịch sẽ do đại hội tín nhiệm bầu ra. Bất kỳ ai cảm thấy đủ điều kiện đều được quyền ứng cử hoặc được đề cử, ai làm Chủ tịch VFF thì ngành đều ủng hộ, miễn có thể giúp bóng đá Việt Nam phát huy được các nguồn lực để phát triển, đáp ứng được mong muốn của người hâm mộ”-lãnh đạo Tổng cục TDTT trên cho biết.