Đáng tiếc nhất trong số các môn không nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games 27 là thể dục dụng cụ (TDDC). Điều đáng tiếc không chỉ nằm ở chỗ TDDC là môn rất mạnh, góp nhiều HCV cho đoàn TTVN ở SEA Games 26 cách nay 2 năm, mà còn đáng tiếc ở chỗ TDDC là môn cơ bản của phong trào Olympic quốc tế, nhưng vẫn không có tên.
Việc TDDC vắng mặt khiến cho đoàn TTVN mất ít nhất cả chục HCV, đồng thời những VĐV nổi danh như Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh… mất đi cơ hội được thi đấu, để nâng cao chuyên môn.
Trong khi đó, không đến nỗi bị loại khỏi chương trình thi đấu, nhưng bắn súng bị hạn chế số nội dung dự tranh. Điều này khiến cho việc tái lập thành tích giành 6 HCV như ở Indonesia 2 năm trước với đội tuyển Việt Nam không thể thực hiện.
Bắn súng bị cắt nhiều nội dung ở SEA Games 27. |
Nhiều nội dung sở trường của Việt Nam như súng ngắn ổ quay, súng ngắn tiêu chuẩn, súng trường hơi di động… đều không có ở SEA Games 27, khiến cho đội tuyển bắn súng chỉ dám đặt chỉ tiêu hết sức khiêm tốn là giành từ 1-3 HCV.
Cái khó khác là theo như thông báo từ phía BTC chủ nhà, do Myanmar thiếu trường bắn đủ tiêu chuẩn, nên các VĐV sẽ không bắn trên bia điện tử, mà bắn trên bia giấy. Điều đó gây cản trở không ít cho chúng ta.
Cũng ở trong tình trạng bị cắt nhiều nội dung là Pencak Silat và Vật cổ điển, vì thế mà thành tích giành 6 HCV Pencak Silat và 8 HCV vật cổ điển của TTVN từng có được 2 năm trước nay chắc chắn không thể có ở SEA Games 27.
Dễ hiểu mục đích của chủ nhà Myanmar khi cắt bỏ các môn thế mạnh của các đoàn khác, giảm hàng loạt nội dung ở các môn khác là nhằm hạn chế sức mạnh của các đoàn, tăng tính cạnh tranh cả đoàn thể thao Myanmar ở đại hội được tổ chức trên sân nhà của họ.
Không chỉ có TDDC không có tên trong danh sách tổ chức của chủ nhà Myanmar, mà nhiều môn khác thuộc nhóm môn cơ bản của phong trào Olympic cũng bị ảnh hưởng.
Điền kinh là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất. Dù là môn quan trọng nhất của tất cả các đại hội thể thao khắp thế giới từ trước đến nay, nhưng điền kinh cũng không tránh khỏi việc bị chủ nhà Mynamar cắt nhiều nội dung.
Bên cạnh đó, quần vợt bị loại thẳng khỏi SEA Games 27. Với đoàn TTVN, triển vọng vàng trong môn quần vợt không lớn, nhưng việc không được thi đấu khiến cho đội tuyển quần vợt Việt Nam, nhất là đội tuyển nam mất cơ hội cọ xát trước khi đánh Davis vào đầu năm sau, nơi chúng ta đã gia nhập nhóm 2 (thay vì nhóm 3 như trước).
Còn với môn cử tạ, nước chủ nhà vẫn tổ chức, nhưng họ đưa ra quy định rất ngặt nghèo, đó là mỗi quốc gia chỉ được cử 1 VĐV tham dự mỗi hạng cân. Quyết định này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi đại hội khởi tranh, nên hàng loạt quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam trở tay không kịp.
Riêng ở hạng cân 56kg, nơi chúng ta vốn rất mạnh với 2 cái tên là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Hiện tại, chúng ta buộc phải để Quốc Toàn ngồi dự bị cho Kim Tuấn.
Với thời gian gấp rút hiện nay, việc đôn Quốc Toàn lên thi đấu ở hạng cân khác là không kịp, nên khả năng Quốc Toàn trở thành khán giả bất đắc dĩ ở SEA Games đang hiển hiện trước mắt.
Riêng với Thạch Kim Tuấn, dù đã được chọn thi đấu chính thức cho đội tuyển cử tạ Việt Nam ở hạng 56kg, nhưng Kim Tuấn cũng chưa yên tâm. Bởi, theo quy định của BTC chủ nhà, phải có ít nhất 3 VĐV đến từ 3 quốc gia khác nhau, thì hạng cân đấy mới được tổ chức. Nếu số VĐV từ các nước không đăng ký đủ thì BTC sẽ loại hạng cân này.
Đúng là bó tay với nước chủ nhà và bó tay với cách thức tổ chức như “hội làng” cả SEA Games. Cách tổ chức này không thể mang lại giá trị bền vững cho từng môn thể thao, bởi mỗi kỳ đại hội thì người ta đều phải nhìn mặt nước chủ nhà để… đếm huy chương.
Theo Dân Trí