Bà Lê Thị Bích Hằng, đại diện Ban giám đốc Công ty CP In số 7 (quận Bình Tân, TPHCM), cho biết, dù đơn hàng dồi dào, nhưng nguồn lao động không đủ đáp ứng. Nguồn nhân lực có tay nghề trong lĩnh vực in ấn rất khan hiếm. Mỗi năm, cả nước chỉ có hơn 100 lao động được đào tạo trong lĩnh vực này. Công ty đã phải tự đào tạo nhân lực.
“Đối với ngành in, để người lao động có thể sử dụng thành thạo máy in thì cần 2-3 năm đào tạo. DN từng kỳ vọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay lập tức nhưng không khả thi và DN vẫn phải đào tạo lại. Một trong những giải pháp của công ty là chương trình “40 công nhân kỹ thuật”, trong đó công ty trực tiếp tuyển dụng và đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân”, bà Hằng nói.
Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh H.C |
Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS Lâm Thị Ngọc Ngân cho biết, đơn vị tuyển dụng chủ yếu là lao động trẻ, chưa qua đào tạo. Bình quân mỗi năm, PIZZA 4PS cần tuyển trên 3.000 nhân sự làm việc toàn thời gian.
“Khi tuyển dụng, công ty sẽ đào tạo ngay từ đầu, nhiều vị trí phải bỏ rất nhiều công sức đào tạo, song tỷ lệ nhảy việc rất cao, đây là một khó khăn của nhiều DN hiện nay” - bà Ngân nhìn nhận.
Tại Bình Dương, hàng trăm DN cũng đau đầu với bài toán tuyển dụng. Đầu năm 2024, do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An phải cắt giảm khoảng 300 lao động. Nay DN có đơn hàng trở lại và muốn tuyển thêm 100 nhân sự, nhưng mãi vẫn chưa đủ. Công ty CP Cơ khí Đồng Lực cũng đang cần hàng trăm lao động phổ thông, không cần kinh nghiệm, khi nhận vào làm sẽ đào tạo chuyên môn. Dù DN này đưa ra mức lương từ 7,5 - 12 triệu đồng/người/tháng, song rất ít người đến nộp hồ sơ xin việc.
Tại tỉnh Bình Dương, các DN lớn như Công ty TNHH Hài Mỹ, Công ty TNHH Chí Hùng, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam… đang tuyển dụng thêm từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động. Ông Mai Phú Hùng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương) cho biết, DN nhận được nhiều đơn hàng hơn và cần nhiều lao động. Dù công ty đưa ra mức lương cao, bảo đảm thu nhập, phụ cấp… nhưng rất ít lượng người đến nộp hồ sơ.
Theo các DN, tình trạng thiếu lao động là do một phần năm 2023 và nửa đầu năm 2024 có những thời điểm đơn hàng khó khăn, buộc phải giảm giờ làm, giảm lao động. Trong điều kiện đó, người lao động không có việc làm nên về quê sinh sống.
Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay các tỉnh, thành phố trên cả nước hầu hết đều đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Khi DN ở đâu cũng có, người lao động sẽ chọn ở quê làm việc dù lương có thể thấp hơn. “Đơn cử TP Cần Thơ xây dựng khu công nghiệp VSIP, số lao động ở các tỉnh miền Tây sẽ chọn nơi đây vì gần nhà. Để giữ chân lao động, DN cần quan tâm đến chế độ lương, thưởng”- ông Nhân nhìn nhận.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, trong quý IV/2024, thành phố cần khoảng 78.100 - 83.300 lao động. Theo khảo sát mới đây của Trung tâm tại 9.000 DN đang hoạt động ở TPHCM, 23,55% DN trả lời gặp khó khăn trong tuyển dụng. Một số lý do DN đưa ra là: Khó tìm lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng, lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp, DN không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển, không tìm được lao động vừa có chuyên môn vừa có trình độ ngoại ngữ...