Trung Quốc đưa máy bay ra Hoàng Sa: Gây sức ép lên các nước láng giềng

Mẫu máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Mẫu máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
TP - Theo giới phân tích, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay có khả năng mang bom hạt nhân ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là sự thể hiện trắng trợn đòi hỏi chủ quyền của họ và gây sức ép lên các nước láng giềng, trong bối cảnh các nước khu vực đang thiếu đoàn kết và Mỹ bị phân tán bởi vấn đề Triều Tiên.

Nhiều năm nay, Trung Quốc bị lên án là đang biến biển Đông, vùng tranh chấp giữa 5 nước 6 bên, thành căn cứ quân sự riêng của họ. Dù đã bồi đắp và biến các cấu trúc đang chiếm đóng thành căn cứ quân sự, Trung Quốc vẫn nói rằng bất kỳ tiền đồn quân sự nào trên những cấu trúc đó không là gì khác ngoài “cơ sở quốc phòng thiết yếu”.

Nhưng những lời lẽ của Bắc Kinh có vẻ đang thay đổi. Đợt tập luyện của máy bay ném bom ở đảo Phú Lâm cho thấy Trung Quốc đang ngày càng công khai sử dụng các căn cứ đó vì mục đích tấn công.

“Một đơn vị thuộc Không quân Trung Quốc gần đây triển khai nhiều máy bay ném bom như H-6K đi thực hiện công tác huấn luyện cất và hạ cánh trên các đảo và bãi đá trên biển Đông nhằm nâng cao năng lực “vươn tới mọi lãnh thổ, tiến hành các cuộc tấn công vào bất kỳ thời điểm nào và tấn công theo mọi hướng”, Không quân Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Máy bay ném bom là một phương tiện thể hiện năng lực tấn công. Điều này đặc biệt đúng đối với loại máy bay H-6K trong video mà Không quân Trung Quốc công bố. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược thực sự đầu tiên của Trung Quốc, là loại máy bay mà rất ít quân đội trên thế giới có thể trang bị. Mới đây Trung Quốc điều các máy bay H-6K tham gia cuộc tập trận bao vây Đài Loan.

Bắc Kinh vẫn chối bỏ rằng họ đang quân sự hóa khu vực dù từ năm 2013 đến nay nước này đã mở các đường băng, lắp các hệ thống radar và cơ sở phục vụ hải quân trên các đảo tranh chấp mà họ chiếm đóng. Các máy bay H-6K vừa qua được Trung Quốc điều ra đảo Phú Lâm, căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) trụ sở tại Mỹ, phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K cất cánh từ Phú Lâm là toàn bộ biển Đông và nhiều nước xung quanh.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, tin rằng việc Trung Quốc tích lũy  các loại vũ khí và phương tiện quân sự trên biển Đông giúp nước này “gây sức ép lên các nước láng giềng yếu hơn ở khu vực trong thời bình”.

“Ví dụ, thông qua việc sử dụng một số lượng lớn các tàu thực thi pháp luật, Trung Quốc có thể gây sức ép với Việt Nam và Philippines để họ không thể đơn phương khai thác năng lượng ở những khu vực mà Trung Quốc đòi quyền tài phán”, AP dẫn lời bà Glaser.

Tính toán thời điểm

Trung Quốc đưa các máy bay ném bom H-6K ra đảo Phú Lâm trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/6.

Ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn chính sách tại Úc, đánh giá: “Tôi nghĩ rõ ràng có một tính toán chính trị trong thời điểm này. Vì Mỹ đang tập trung vào Triều Tiên…nên có một cửa sổ cơ hội mà ở đó phản ứng của Mỹ có thể bị hạn chế”.

Đầu tháng 5 này, CNBC dẫn các nguồn tình báo Mỹ nói rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bất chấp sự phản đối của nhiều nước, giới chuyên gia cho rằng rất ít việc làm thực tế được tiến hành để ngăn Trung Quốc củng cố đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ trên hầu khắp biển Đông.

Bắc Kinh đã có thể làm yếu sự phản kháng ở khu vực bằng cách mua chuộc một số thành viên của ASEAN. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn giữ ý kiến rằng nếu nước này có quan điểm mạnh hơn trước hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh.

Trong khi vẫn thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần những cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng, các tàu chiến Mỹ không thể làm gì để ngăn chặn Bắc Kinh.

Theo ông William Choong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Singapore, nhận định rằng Trung Quốc có thể lập một vùng nhận dạng phòng không để phát hiện những máy bay đi vào không phận mà nước này đòi chủ quyền, giống như điều họ đã làm trên biển Hoa Đông năm 2013, giữa lúc đang có tranh chấp với Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh cũng có thể thiết lập một căn cứ tàu ngầm trên biển Đông vì vùng nước sâu quanh quần đảo Trường Sa là nơi trú ẩn tốt.

Dù có những đe dọa hiện hữu như vậy, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, vẫn chưa thể thiết lập một mặt trận thống nhất để ngăn chặn Trung Quốc, ông Choong nói. “Ngoài thực hiện hoạt động tự do hàng hải và phản đối mạnh mẽ bằng lời nói, Mỹ vẫn chưa thể thống nhất được ý chí của một liên minh nhằm buộc Trung Quốc phải ngừng quân sự hóa trên biển Đông”, Reuters dẫn lời ông Choong.

Viễn cảnh tồi tệ

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 21/5, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, thay vì chiếm đóng đất đai, bắt người dân phục tùng như ngày xưa, Trung Quốc giờ đây xây dựng trên biển để khai thác tài nguyên và thống trị đất liền từ các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông. “Hiện tại, về vấn đề biển Đông, tôi không thấy kịch bản nào tốt cả, chỉ có kịch bản ít xấu nhất. Kịch bản xấu nhất đối với Philippines là lặng yên đứng nhìn Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trên bãi cạn Scarborough”, ông Thayer dự đoán. Sau Scarborough, Trung Quốc có thể muốn “nuốt” thêm bãi Cỏ Mây. Tóm lại, Trung Quốc cuối cùng sẽ thống trị biển Đông, tăng cường quân sự hóa và khai thác tài nguyên.

Theo ông Thayer, Sách trắng chính sách đối ngoại của Úc năm 2017 nhận định, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng đến mức tương đương, thậm chí “trong một số trường hợp vượt qua” Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Úc đặc biệt quan ngại các hoạt động có “quy mô và tốc độ chưa từng có” của Trung Quốc trên biển Đông và “phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo trên biển Đông cho mục đích quân sự”. 

Thái An

MỚI - NÓNG