Quan hệ Việt - Hàn từ hoàng tử nhà Lý đến thời Park Hang-seo

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang-seo. Ảnh: Đức Đồng.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang-seo. Ảnh: Đức Đồng.
Lý Long Tường từng giúp Cao Ly đánh bại quân Mông Cổ xâm lược, trong khi huấn luyện viên Park hiện được xem là người hùng của Việt Nam.

Park Hang-seo, 60 tuổi, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, bắt đầu trở thành người hùng khi ông dẫn dắt đội trẻ lần đầu vào chung kết U23 châu Á tháng 1/2018 và giành vị trí á quânTháng 12 cùng năm, người dân Việt Nam bùng nổ trong niềm vui chiến thắng khi đội tuyển đánh bại Malaysia để giành cúp vô địch Đông Nam Á (AFF) Suzuki Cup. Và tối qua, đội tuyển Việt Nam đánh bại Jordan để giành vé vào tứ kết giải vô địch châu Á Asian Cup 2019. Sự nổi tiếng của huấn luyện viên Park đã góp phần tăng cường các mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam, theo Straits Times.

Bất đồng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc buộc các nhà đầu tư Hàn phải chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á theo Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt - Hàn sẽ càng trở nên sâu sắc nếu Việt Nam trở thành quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống Hàn Quốc đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ - Triều.

Ông Moon, người từng thăm Việt Nam hai lần từ khi trở thành Tổng thống Hàn Quốc giữa năm 2017, đánh giá cao vai trò của huấn luyện viên Park đối với quan hệ hai nước và đã dẫn thông tin người hâm mộ bóng đá Việt Nam giương cao quốc kỳ Việt Nam và Hàn Quốc trong trận chung kết AFF Cup. "Tôi cảm thấy hai đất nước đã trở thành bạn bè thân thiết nhờ bóng đá", ông Moon nói.

Giới chuyên gia nói rằng tình hữu nghị Việt - Hàn còn tăng lên nhờ mối quan tâm đến ẩm thực, văn hóa và con người lẫn nhau. Du lịch nở rộ với 3,29 triệu người Hàn Quốc tới nghỉ tại Việt Nam vào năm ngoái, phần lớn tại thành phố Đà Nẵng, cao gần gấp ba lần năm 2015. Số người Việt Nam đến Hàn Quốc cùng tăng từ 162.765 lên 457.557 trong cùng khoảng thời gian.

Các số liệu chính thức cho thấy số người Việt Nam đang sống ở Hàn Quốc tăng 24%, từ 136.758 năm 2015 đến 169.738 năm 2017. Phần lớn họ là công nhân (28%), người nhập cư thông qua kết hôn (23%) và sinh viên (16%).

Trong khi nhiều người Việt Nam quan tâm đến K-pop và kim chi (món ăn truyền thống Hàn Quốc), người Hàn Quốc cũng bị lôi cuốn bởi cà phê, bia và phở của Việt Nam. Chỉ riêng tại Seoul đã có tới hơn 200 nhà hàng Việt Nam. Khi cửa hàng nhượng quyền Cộng Cà phê khai trương ở Seoul vào năm ngoái, giới trẻ Hàn Quốc tới xếp hàng dài để chờ được thưởng thức hương vị cà phê Việt.

Tình yêu dành cho ẩm thực Việt Nam là một trong những lý do doanh nhân Shin Seung-hyun, 33 tuổi, đi nghỉ tại Đà Nẵng và phố cổ Hội An cùng gia đình vào cuối năm 2017. "Bố mẹ tôi thích ngắm cảnh, trong khi tôi thích nơi ít người và em gái thích tắm nắng", cô chia sẻ.

Gia đình cô ăn tối tại cùng nhà hàng Tổng thống Moon đã ăn khi ông tới dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. "Việt Nam đủ mới lạ nhưng không quá khác biệt với chúng tôi. Người dân chúng tôi trông cũng giống nhau và chúng tôi còn giống cả tập quán. Chúng tôi cảm thấy an toàn ở Việt Nam, được ở trong những resort đẹp mà khi ở Hàn Quốc chúng tôi không đủ khả năng", Shin chia sẻ.

Quan hệ Việt - Hàn từ hoàng tử nhà Lý đến thời Park Hang-seo ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quả bóng có chữ ký của đội tuyển U23 Việt Nam cho Tổng thống Moon Jae-in khi lãnh đạo Hàn Quốc thăm Việt Nam tháng 3/2018. Ảnh: Giang Huy.

Thương mại song phương giữa hai nước tăng từ 37,5 tỷ USD năm 2015 lên 68,2 tỷ USD năm ngoái. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn 2,47 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018. Con số này vào năm 2015 là 1,6 tỷ USD.

Lee Jae-hyon, chuyên gia Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan, cho biết "gã khổng lồ" công nghệ Samsung tiên phong đầu tư vào Việt Nam từ giữa những năm 1990, sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi chế độ quân quản và sẵn sàng kinh doanh mạo hiểm ra nước ngoài. Việt Nam khi đó mới thực hiện chính sách mở cửa và được xem là thị trường giàu tiềm năng bởi các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan đã được Nhật đầu tư.

Samsung ngày nay là công ty lớn nhất tại Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc đã nối tiếp sự thành công này. "Mọi thứ sau đó chỉ như một quả cầu tuyết và thành công này đang ảnh hưởng sang các lĩnh vực khác như du lịch và trao đổi văn hóa", Lee nói.

Tình hữu nghị Việt - Hàn có nền tảng từ 800 năm trước, khi một hoàng tử Đại Việt trở thành người hùng ở triều đại Gooryeo (918-1392), nước Cao Ly, tức bán đảo Triều Tiên ngày nay. Hoàng tử Lý Long Tường của triều nhà Lý (1009-1225) đã đến Hwasan ở tỉnh phía tây Hwahae, hiện thuộc lãnh thổ Triều Tiên, vào năm 1226 để trốn thoát sự truy đuổi của nhà Trần.

Sau khi giúp Cao Ly đánh bại cuộc xâm lược của quân Mông Cổ, Lý Long Tường được phong làm tướng quân Hwasan và hậu duệ của ông được biết đến là dòng họ Lý ở Hwasan. Gần 1000 năm qua, họ vẫn sống tại nhiều khu vực ở Hàn Quốc và Triều Tiên.

Nếu kế hoạch diễn ra thuận lợi, dòng họ này sẽ có một công viên tưởng niệm vào năm 2023. Tỉnh bắc Gyeongsang ở phía đông Hàn Quốc công bố dự án 38 triệu USD này vào tháng 4 năm ngoái, với mục đích thu hút khách du lịch và đưa khu vực trở thành phố người Việt ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, quan hệ Việt - Hàn gặp nhiều khó khăn trong thế kỷ 20 khi Hàn Quốc triển khai 320.000 lính đến hỗ trợ đồng minh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Các nhóm dân sự ở Hàn Quốc đã vận động để có một lời xin lỗi chính thức tới Việt Nam vì hành động tàn bạo trong chiến tranh. Cố tổng thống Hàn Quốc Roh Moon-hyun đã thừa nhận vào năm 2004 rằng "chúng tôi có một món nợ trong tim" đối với Việt Nam. Tổng thống Moon, người từng là trợ lý thân cận của ông Roh, cũng lặp lại câu nói này trong hai lần tới thăm Việt Nam.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG