Quan chức Mỹ cảnh báo Trung Quốc tiếp tục dọa nạt các nước trên biển Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell. (Ảnh: Yonhap)
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell. (Ảnh: Yonhap)
TPO - Thông qua nhiều hoạt động trái phép lặp đi lặp lại và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục có hành động để ngăn chặn các nước thành viên Asean tiếp cận trữ lượng tài nguyên trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói như vậy trong lần đầu tiên ông trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ khi ông nhậm chức vào tháng 6 vừa qua. Bài phát biểu ngày 18/9 của ông đề cập tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hành động của Trung Quốc trong khu vực và vấn đề Hong Kong.

Ông Stilwell cho rằng dù chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã đạt được tiến triển đáng kể nhằm củng cố và thúc đẩy một trật tự mở và tự do ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ ngày càng lo ngại một số bên đang chủ động tìm cách thách thức trật tự này. 

Mỹ cam kết làm việc với bất kỳ nước nào chơi theo luật, nhưng cũng chống lại bất kỳ nước nào hành động kiểu san mồi để làm suy yếu trật tự. Như chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ, Mỹ đặc biệt quan ngại trước việc Bắc Kinh sử dụng những cách thức dọa nạt và bóp méo về kinh tế, gây ảnh hưởng và hăm dọa để ép các nước khác phải nghe theo chương trình an ninh và chính trị của họ. 

Bắc Kinh theo đuổi quan điểm áp chế đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm lập lại trật tự ở khu vực nhằm có lợi cho họ và đặt họ vào vị trí cạnh tranh chiến lược với tất cả những ai nỗ lực bảo đảm một trật tự mở và tự do cho các quốc gia đa dạng và có chủ quyền, ông Stilwell nói.

Quan chức này nêu rõ, kể từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Trung Quốc với sự hộ tống của tàu hải cảnh và dân quân biển đã thực hiện khảo sát biển gần bãi Tư Chính để dọa nạt Việt Nam và các nước Asean khác không được khai thác tài nguyên dầu khí trên biển Đông. Thông qua nhiều hoạt động trái phép lặp đi lặp lại và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, Bắc Kinh đã và sẽ tiếp tục có hành động để ngăn chặn các nước thành viên Asean tiếp cận trữ lượng tài nguyên trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, ông Stilwell nói. 

Về kinh tế, chính phủ Trung Quốc sử dụng hàng loạt chính sách không phù hợp với thương mại công bằng và tự do, như hạn chế tiếp cận, quy trình quản lý không rõ ràng và phân biệt đối xử; thao túng tiền tệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ, và tạo ra năng lực công nghiệp quá dư thừa để phát triển cơ sở sản xuất của Trung Quốc nhưng các đối thủ cạnh tranh phải gánh chịu hậu quả. 

Thông qua những sáng kiến như Vành đai Con đường, Bắc Kinh đã đổ vào các nước đang phát triển nhiều tỷ đô la dưới dạng vay phát triển hạ tầng không minh bạch, gây ra nhiều vấn để như gánh nặng nợ không bền vững, phá hoại môi trường và tạo cho Bắc Kinh lợi thế tác động vào quyết định chính trị của các nước vay tiền họ, ông Stilwell nói.

Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại trước nhiều hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với Đài Loan thông qua cách cưỡng bách về kinh tế, bóp nghẹt không gian quốc tế của Đài Loan và giành giật các đối tác ngoại giao. Những hành động đó làm suy yếu hiện trạng hai bờ eo biển. 

Về vấn đề Hong Kong, ông Stilwell nói rằng thành phố này trở Trung Quốc năm 1997 với lời hứa của Bắc Kinh rằng sẽ được duy trì quyền tự trị ở mức độ cao và được hưởng các quyền tự do như quy định trong Luật Cơ bản. Duy trì quyền tự trị này cũng là mục đích của Đạo luật chính sách Hong Kong mà Mỹ thông qua năm 1992, văn bản định hình chính sách của Mỹ với Hong Kong từ đó đến nay. 

Ông Stilwell nói rằng người biểu tình Hong Kong hiện nay chỉ yêu cầu Bắc Kinh giữ lời hứa như được nêu trong Tuyên bố chung Trung – Anh và Luật cơ bản. Còn Bắc Kinh đáp lại bằng nhiều lần đổ lỗi cho chính phủ Mỹ dùng chiến thuật “bàn tay đen” và công khai nêu tên cán bộ ngoại giao Mỹ can dự, khiến họ đối diện với nguy hiểm. Nhưng Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy có “bàn tay đen” đang thò vào biểu tình Hong Kong, vì cái đó không tồn tại, ông Stilwell nói. 

MỚI - NÓNG