Lần đầu xây dựng lịch trình tuần tra cụ thể
Báo National Interest cho biết Lầu Năm Góc không công bố chi tiết về sự nối lại chiến dịch trên hoặc nói rõ liệu các tàu Hải quân Mỹ có tới vùng biển nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của những hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay không. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết đây là khả năng có thể xảy ra. Cho đến nay, Mỹ luôn chỉ trích Trung Quốc có các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép tại các vùng biển tranh chấp.
Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các bên liên quan, hồi tháng trước, các bức ảnh vệ tinh của Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng trạm ra đa tần số cao tại khu vực Đá Chữ Thập và các hầm chứa đạn dược tại Đá Subi. Bên cạnh đó, việc Lầu Năm Góc từng công bố các bằng chứng về việc Trung Quốc đặt các tên lửa, cũng như việc các máy bay chiến đấu nước này bay qua những khu vực tranh chấp cũng là những điểm căng thẳng và điểm nóng xung đột tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh.
Báo Wall Street Journal hồi tháng 9/2017 dẫn nguồn tin giới chức Mỹ cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã lên lịch trình cho các cuộc tuần tra hải quân bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông, nhằm tăng cường sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại vùng biển này. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ xây dựng lịch trình tuần tra hải quân cụ thể trên biển Đông, đánh dấu bước ngoặt đáng kể so với các hoạt động trên biển Đông dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
ASEAN, Ấn Độ coi hợp tác biển là trọng tâm
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ ngày 25/1 nhấn mạnh tầm quan trọng của biển và đại dương đối với an ninh và tăng trưởng của cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ đó, các nước nhất trí coi hợp tác biển là một trong những trọng tâm trong mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ thời gian tới. Chiều tối 25/1, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh” tại New Delhi. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ những năm tới.
Các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực và các hoạt động hợp pháp khác trên biển bao gồm thông thương hợp pháp không bị cản trở; thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các tiêu chuẩn liên quan và thông lệ được khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Theo đó, các lãnh đạo ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ sớm được hoàn tất.
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế liên quan hiện có bao gồm Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) nhằm giải quyết những thách thức chung liên quan tới những vấn đề biển. ASEAN và Ấn Độ cũng sẽ hợp tác ngăn chặn và quản lý tai nạn và sự cố trên biển và thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa ASEAN và Ấn Độ trong tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, phù hợp với các quy trình và thông lệ hiện hành, bao gồm cả các quy định của ICAO và IMO, cũng như khuyến khích các viện nghiên cứu tăng cường tham gia vào các vấn đề về biển cùng với việc gia tăng hợp tác về giáo dục, nghiên cứu, phát triển và đổi mới. ASEAN và Ấn Độ sẽ hợp tác để bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.