Đối thoại Shangri-La: Triều Tiên, Biển Đông vẫn nóng

Cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc kể từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Strait Times.
Cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc kể từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Strait Times.
TP - Ngày 3/6, Đối thoại Shangri-La bế mạc sau ba ngày thảo luận sôi nổi, nhưng các cuộc họp bên lề vẫn nóng lên tại các cuộc đối thoại song phương, đa phương. Tại cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các bên đã đạt được thỏa thuận trong việc hợp tác kêu gọi Triều Tiên có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm 3 bên bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori cho biết, 3 quan chức quốc phòng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm hối thúc Triều Tiên thực hiện những bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tờ Japan Times đưa tin, trước câu hỏi liệu 3 bên có chung quan điểm duy trì lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng hay không, ông Onodera cho biết: “Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc về cơ bản nhất trí duy trì sức ép”. Tokyo tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, trong khi Washington và Seoul bắt đầu đối thoại với Bình Nhưỡng.

Theo các quan chức chính phủ Nhật Bản, thông qua cuộc gặp này, ông Onodera muốn khẳng định với người đồng cấp Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo rằng, hợp tác ba bên là cần thiết để giải quyết các đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Trước đó, ngày 2/6, phát biểu tại phiên họp trong Đối thoại Shangri-La, ông Onodera nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng, cần duy trì sức ép. Chúng ta không nên trao thưởng (cho Triều Tiên) chỉ vì (Bình Nhưỡng) đã đồng ý tham gia đối thoại”.

Cùng tại cuộc đàm phán 3 bên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, tại thời điểm hiện nay, việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là phương tiện tốt nhất để duy trì hòa bình. Ông nhấn mạnh, chỉ giảm bớt các biện pháp trừng phạt “khi Triều Tiên thể hiện các động thái có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết, Hàn Quốc sẽ hết sức thận trọng do cách hành xử của Triều Tiên trong quá khứ. Theo ông Song, các nước có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng và phải tận dụng cơ hội này.

Theo Yonhap, tham dự Đối thoại Shangri-La lần này, ông Song là vị bộ trưởng phải đối mặt nhiều câu hỏi nhất từ những người đồng cấp về vấn đề Triều Tiên. Đa số đại biểu đều chất vấn ông rằng, liệu Triều Tiên có thực sự nghiêm túc trong việc đối thoại và phi hạt nhân hóa. Ông Song ghi nhận những tiến bộ Triều Tiên đạt được gần đây, trong đó có việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, ông cho rằng, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân đầy đủ với Triều Tiên có vẻ khác nhiều so với quá khứ.

Cuộc gặp 3 bên này là cuộc hội đàm đầu tiên giữa 3 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Hàn - Nhật kể từ tháng 10/2017 khi ba quan chức này gặp nhau tại Philippines trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và chỉ còn 10 ngày nữa diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Ngày 2/6, trong phiên toàn thể thứ ba của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhận định: “Trong thời điểm hiện nay, mặc dù chúng ta đang tích cực hợp tác để vun đắp cho hoà bình, ổn định của khu vực, nhưng chúng ta cũng buộc phải nhìn nhận một thực tế là những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đã được dự báo đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy tiềm năng và hứa hẹn trước những nguy cơ có thực và cận kề”.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận định, tình hình Bán đảo Triều Tiên gần đây có những tín hiệu tích cực, những nỗ lực của Triều Tiên, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cho chúng ta niềm hy vọng là Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... cũng như cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục hành động có trách nhiệm, vì hòa bình, an ninh và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc kiến tạo hòa bình, hợp tác ở Bán đảo Triều Tiên - và không chỉ ở Triều Tiên - vẫn còn là một con đường dài đầy khó khăn, trắc trở.

Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất, có thể giải quyết được nhiều vấn đề trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực.

“Đối với vấn đề Biển Đông, chúng tôi kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. Mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.

Đại diện của phái đoàn Trung Quốc là trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Học viện Khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc, bị các nhà báo quốc tế chất vấn nhiều về vấn đề Trung Quốc xây dựng trái phép các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Tờ Strait Times đưa tin, ngày 2/6 tại Singapore, ông Hà Lôi đã ngang ngược chỉ trích rằng, những lời bình luận của các nước khác về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông là không thể chấp nhận được. Lời phát biểu này được đưa ra vài giờ ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang đe dọa các nước láng giềng thông qua hoạt động quân sự tại vùng biển tranh chấp.

Bên lề Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Quốc phòng Việt Nam (thành viên đoàn đại biểu Việt Nam), cho biết đại biểu các bên tại đối thoại lần này đều nhấn mạnh cần tăng cường đối thoại để giải quyết và ứng phó với xu hướng thay đổi trật tự tại châu Á nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Đối thoại và xây dựng lòng tin chiến lược sẽ giúp giảm bớt các thách thức an ninh cùng những hành động thiếu kiềm chế của tất cả các bên, đặc biệt là các nước lớn tại khu vực.

MỚI - NÓNG