Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận cách đây 1 năm, một ngòi cháy chậm đã được châm lửa. Lúc đầu, có vẻ giới chức Iran nghĩ họ có thể cố nhịn để chờ ông Trump hết nhiệm kỳ. Họ nói về “sự kiên nhẫn chiến lược” khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sắp đến.
Nhưng sự kiên nhẫn đó mòn dần khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu quan trọng của Iran, sau đó nhắm vào Lực lượng vệ binh cách mạng, các quan chức và cả lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Không lâu sau, Iran chuyển sang nói về “hành động chiến lược” và đưa ra đe dọa đối với Eo biển Hormuz, cửa ngõ quan trọng cho hoạt động vận chuyển dầu quan trọng của thế giới.
Sau đó, Iran tuyên bố sẽ vượt qua giới hạn dự trữ làm giàu urani như đã nhất trí với các cường quốc thế giới trong thỏa thuận 2015. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng bắt đầu từ Chủ nhật vừa qua, Iran sẽ bắt đầu làm giàu urani “lên bất kỳ mức độ nào mà chúng tôi nghĩ là cần”.
Những bước đi đó cho thấy Iran đang cắt ngắn ngưỡng 1 năm cần để có đủ nguyên liệu cần cho chế tạo vũ khí hạt nhân, thứ mà Iran phủ nhận họ muốn làm nhưng là điều thỏa thuận hạt nhân nỗ lực ngăn chặn.
Đối với Iran, bên duy nhất có thể ngăn chặn nguy cơ tiếp tục leo thang khủng hoảng chính là châu Âu. Trong các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân có Anh, Pháp và Đức, còn Liên minh châu Âu cũng hỗ trợ nỗ lực ngoại giao này.
Trong các bình luận công khai, Iran vẫn nhắm đến châu Âu. “Những hành động của châu Âu vẫn chưa đủ nên Iran sẽ tiếp tục kế hoạch như đã thông báo trước đây”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói đầu tuần này.
Bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên của quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu, bà Federica Mogherini, hôm 4/7 nói rằng châu Âu “kêu gọi Iran đảo ngược những bước đi này và kìm chế các biện pháp khác nhằm làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân”.
Nhưng châu Âu có thể mang lại những gì cho Iran vẫn là một câu hỏi. Họ nói đến INSTEX, một phương tiện thương mại cho phép các công ty châu Âu và Iran xuất khẩu hàng hóa và nhận thanh toán ở địa phương để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng câu hỏi là liệu Iran có lập ra hệ thống tương thích để tạo điều kiện cho thương mại không. EU cho biết INSTEX “đã đi vào hoạt động và những giao dịch đầu tiên đang được xử lý”. Đối với Iran, có thể bán dầu qua INSTEX hay không vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ.
“Nếu không có giao dịch mua bán dầu, rõ ràng là INSTEX sẽ không hoạt động”, Bộ trưởng dầu khí Iran Bijan Namdar Zangenh nói với Bloomberg trong tuần này.
Mỹ có vẻ sẽ hành động với INSTEX nếu cơ chế này vượt khỏi lĩnh vực thực phẩm và thuốc men, những mặt hàng mà Mỹ vẫn cho phép bán vào Iran. Chưa có dấu hiệu cho thấy bất kỳ công ty lớn nào sẵn sàng đối đầu với các biện pháp trừng phạt của Mỹ để vì nỗ lực ngoại giao của châu Âu, điều mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tự hào khi nói đến.
Dính dáng trực tiếp
Giữa lúc khủng hoảng, Iran bắn rơi một máy bay giám sát quân sự trị giá hơn 100 triệu USD của Mỹ vì cho rằng nó vi phạm không phận của mình. Mỹ bác bỏ, nói rằng tên lửa Iran đã bắn trúng chiếc máy bay khi nó đang trong không phận quốc tế trên Eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua.
Iran nhiều lần dọa chặn eo biển này nếu họ không bán được dầu. Trong 2 tháng qua, hàng loạt vụ tấn công bí ẩn nhắm vào các tàu chở dầu xảy ra gần eo biển này. Iran bác bỏ liên quan, còn Mỹ cáo buộc Iran dùng mìn nam châm trong các vụ tấn công tàu.
Eo biển vẫn mở, chi phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu đã tăng lên. Dù 80% dầu từ khu vực này được đưa đến châu Á và các nơi khác, một lượng đáng kể được chở đến châu Âu. Bất kỳ cản trở nào đối với sự lưu thông qua eo biển cũng sẽ đẩy giá dầu lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng châu Âu.
“Cuộc đối đầu quân sự giữa Iran với Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh trong mọi thứ, từ thỏa thuận hạt nhân đến vấn đề Yemen, có thể dễ dàng trở thành một cuộc chiến tranh hỗn hợp, với nhiều hình thức tấn công nghiêm trọng”, ông Anthony H. Cordesman, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, đánh giá. “Những cuộc tấn công đó sẽ tác động nghiêm trọng đến dòng chảy năng lượng đến các quốc gia công nghiệp quan trọng và các nhà xuất khẩu tạo nên thành công của kinh tế toàn cầu”, ông Corderman nói.
Châu Âu giờ đây đã trực tiếp dính vào chuyện ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran. Hôm 4/7, giới chức Gibraltar với sự hỗ trợ của hải quân Anh đã chặn và tịch thu con tàu Grace 1 nghi đang chở dầu từ Iran đến Syria. Dù Gibraltar nói họ tịch thu con tàu với sự hỗ trợ của Anh vì vi phạm trừng phạt của EU với Syria, nhưng thời điểm xảy ra vụ việc chắc chắn gây hoài nghi ở Tehran. Việc Tây Ban Nha nói rằng vụ tịch thu được thực hiện với yêu cầu của Mỹ cũng gây chú ý.