Tuyên bố Sydney được ra sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc (diễn ra từ ngày 17-18/3 tại Úc) khẳng định quan điểm chung về tầm quan trọng của việc sử dụng hoà bình các vùng biển và đại dương, điều thiết yếu đối với sự thịnh vượng kinh tế của khu vực. ASEAN và Úc coi nhau là đối tác có chung lợi ích thiết yếu trong một khu vực năng động đang trải qua những đổi thay lớn. Hai bên cam kết đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm định hình một khu vực an toàn và thịnh vượng. ASEAN và Úc tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. ASEAN và Úc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và sự cần thiết tăng cường tin cậy lẫn nhau và lòng tin, thực hiện tự kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, các quốc gia cần theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hoà bình, phù hợp các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tuân thủ các chuẩn mực liên quan, thông lệ được khuyến nghị bởi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Hàng hải quốc tế.
ASEAN và Úc ủng hộ thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và mong đợi sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả. Hai bên khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề biển chung và phức tạp, bao gồm an ninh lương thực và sinh kế, cướp biển và cướp có vũ trang tàu thuyền và các tội phạm khác trên biển, cùng với khả năng tìm kiếm an toàn tàu thuyền tốt hơn, cũng như thông qua triển khai Tuyên bố Hội nghị cấp cao Đông Á về tăng cường hợp tác biển ở khu vực.
Để thúc đẩy hoà bình và an ninh khu vực, ASEAN và Úc cam kết tăng cường và mở rộng phạm vi và tầm mức của hợp tác quốc phòng thông qua cả các cơ chế song phương và đa phương, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).
Sóng ngầm dưới mặt biển lặng
Phát biểu trước phiên họp hẹp của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ tình hình an ninh trên các vùng biển ở khu vực tuy bề mặt ổn định nhưng bên trong vẫn có sóng ngầm, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong hợp tác biển, trước hết cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và thượng tôn pháp luật phải trở thành nền tảng cho xây dựng lòng tin và giữ gìn ổn định ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các nước cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ đối với hợp tác biển, từ khía cạnh đảm bảo an ninh biển đến bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển. Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam và Úc cùng Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì Nhóm công tác ARF về an ninh biển giai đoạn 2018-2020 theo kế hoạch đã thống nhất của ARF, coi đây là đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến hợp tác và kết nối giữa hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương hướng tới tầm nhìn chung về một khu vực rộng mở, dựa trên luật pháp quốc tế, nơi ASEAN phát huy vai trò trung tâm thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì an ninh và thịnh vượng chung.
Quan ngại tình hình Triều Tiên
Các lãnh đạo ASEAN và Úc lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; nhắc lại cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm tăng cường hợp tác khu vực chống khủng bố. Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Úc về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế được ký ngày 17/3 sẽ làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác chặt chẽ hiện nay.
ASEAN và Úc bày tỏ quan ngại sâu sắc về gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bao gồm các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên; thúc giục mạnh mẽ Triều Tiên thực hiện lập tức và đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an. ASEAN và Úc nhắc lại ủng hộ việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, được kiểm chứng và không thể đảo ngược theo phương thức hoà bình, cũng như các sáng kiến hướng tới thiết lập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN và Úc hoan nghênh các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. ASEAN sẵn sàng đóng vai trò xây dựng cho hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Cam kết mở cửa thị trường
Về kinh tế, các lãnh đạo ASEAN và Úc tái khẳng định ủng hộ tăng cường thương mại và đầu tư cũng như chống lại tất cả các hình thức bảo hộ. ASEAN và Úc cam kết mở cửa thị trường tự do và nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ…
Phát biểu về định hướng quan hệ đối tác và hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Úc trong giai đoạn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai bên cần duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa để cùng phát triển thịnh vượng, trước hết là triển khai hiệu quả Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Úc - New Zealand, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), chú trọng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của các nền kinh tế ASEAN và Úc trong chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác hướng đến người dân…
Trong thời gian tham dự các hoạt động chính của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Pryut Chan-o-cha, Cố vấn cao cấp của Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.