Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan đại diện thương mại, hiệp hội doanh nhân của hai nước tích cực nâng cao vai trò kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư, chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cho doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy hợp tác lớn hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp hai nước đã có các phiên đối thoại trực tiếp và thảo luận nhóm nhằm thúc đẩy kết nối trực tiếp, tìm hiểu các cơ hội đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực tiềm năng như hạ tầng, viễn thông, hàng không, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư tài chính, dịch vụ, ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ, năng lượng và năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ trao 16 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư, thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, hàng không, nông nghiệp, vận tải.
Thủ tướng cũng đã có cuộc làm việc với các nhà đầu tư tài chính hàng đầu của Úc và quốc tế và tiếp lãnh đạo của nhiều công ty hàng đầu của Úc trong các lĩnh vực nông nghiệp sản xuất lúa gạo, y tế, du lịch, xử lý nước, phát triển cơ sở hạ tầng.
Úc cân nhắc ý tưởng gia nhập ASEAN
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vừa cho biết Úc sẽ cân nhắc “rất nghiêm túc” bất kỳ lời mời chính thức nào về việc tham gia ASEAN. Điều này được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ủng hộ.
“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay”, ông Widodo nói trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Fairfax trước khi lên đường đến Sydney dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Úc vào cuối tuần này. Ý kiến của ông Widodo được báo Sydney Morning Herald (SMH) đăng tải hôm 15/3.
Khi được hỏi ý kiến về việc Úc gia nhập ASEAN, Tổng thống Widodo nói rằng ông ủng hộ ý tưởng này “vì khu vực của chúng ta sẽ tốt hơn, cho sự ổn định, ổn định về kinh tế cũng như chính trị. Chắc chắn rồi, điều đó sẽ tốt hơn”, SMH dẫn lời ông Widodo.
Đáp lại thông tin này, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull được SMH dẫn lời: “Tôi sẽ chờ đợi cơ hội thảo luận với Tổng thống Jokowi nếu ông ấy nêu điều này với tôi”. “Tôi sẽ chờ được mời…chúng tôi coi trọng ASEAN và cực kỳ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực”, ông Turnbull nói.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 16/3 nói rằng nước này đang vận động hành lang các nước Đông Nam Á về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên khu vực tranh chấp thuộc biển Đông nhằm cải thiện an ninh. “Đối với biển Đông, tôi đã đến gặp các bạn bè- các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, về việc mỗi quốc gia tiếp giáp biển Đông sẽ tuần tra ở khu vực 200 hải lý”, ông Ryacudu nói với các phóng viên.
Ông cho biết Indonesia đang tập trung vào 3 khu vực là biển Sulu, eo biển Malacca và các vùng biển quanh Thái Lan theo cơ chế hợp tác đã có với các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Philippines...
Trong bối cảnh Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu khắp biển Đông và gia tăng triển khai nhiều loại vũ khí xuống các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng trên vùng biển này, Indonesia nói rằng họ không phải một bên liên quan trong tranh chấp ở biển Đông nhưng mâu thuẫn với Trung Quốc về quyền đánh bắt hải sản quanh một quần đảo. Indonesia đã mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực này cũng như đổi tên vùng biển nằm ở phần phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Úc tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc trong bối cảnh Canberra đang nỗ lực thắt chặt quan hệ thương mại và chính trị với khu vực khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần trước nói rằng quyết tâm của Trung Quốc về việc bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển Đông là không thể lay chuyển, và các thế lực bên ngoài đang cố gắng khuấy đục ở vùng biển này.
Dự kiến trong dịp này, các lãnh đạo ASEAN và Úc sẽ công bố khoảng 13 sáng kiến, dự án trong các lĩnh vực chống khủng bố, chống buôn bán người, các tiêu chuẩn thương mại, kết nối cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác hàng hải…