Thế giới trong nỗi lo đại dịch

Một số người dân đi bộ qua cầu từ tỉnh Hồ Bắc sang Giang Tây hôm 31/1. Ảnh: Reuters
Một số người dân đi bộ qua cầu từ tỉnh Hồ Bắc sang Giang Tây hôm 31/1. Ảnh: Reuters
TP - Một tuần sau khi đóng cửa, cảm giác giận dữ và lo lắng đang trào dâng ở Trung Quốc khi tâm điểm của đại dịch vật lộn với tình trạng thiếu giường bệnh, trang thiết bị y tế và bác sĩ. Các quốc gia trên khắp thế giới cũng nỗ lực ứng phó trong nỗi lo lắng của cộng đồng.  

Người dân giận dữ

Một dấu hiệu cho thấy sự giận dữ của người dân gia tăng là vụ người nhà một bệnh nhân đã đánh bác sĩ tại bệnh viện ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đài truyền hình Trung Quốc CCTV dẫn nguồn từ cảnh sát cho biết hôm 30/1. Người đàn ông này bị cáo buộc xé rách khẩu trang và quần áo bảo hộ của bác sĩ để bác sĩ bị phơi nhiễm virus, sau khi bố vợ anh ta chết trong bệnh viện.

Trong khi đó, các bệnh viện trên khắp khu vực tiếp tục kêu gọi cộng đồng hỗ trợ trang thiết bị y tế. Tình trạng thiếu thốn diễn ra nghiêm trọng ở Hoàng Cương, thành phố có 7 triệu dân và nằm gần Vũ Hán, nơi một số nhân viên y tế phải mặc áo mưa và lấy túi đựng rác để bọc giày nhằm tránh phơi nhiễm virus, trang tin tài chính Yicai đưa tin.

Trong bối cảnh tâm lý lo lắng gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, thừa nhận dịch bệnh giờ đã trở thành nguy cơ vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Các quốc gia tự quyết định có đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay hay kiểm tra hành khách đến.

Cũng trong ngày 30/1, các cơ quan chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ hỗ trợ 43 USD/ngày cho các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu và mở cửa nhà máy để thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế và bảo hộ. “Chúng ta hoàn toàn không thể để Hoàng Cương trở thành Vũ Hán thứ hai”, Xinhua dẫn lời ông Wang Xiaodong, chủ tịch tỉnh Hồ Bắc, nói tại một cuộc họp báo.

Cũng liên quan đến dịch cúm, chính quyền tỉnh thông báo tối 30/1 rằng giám đốc sở y tế Hoàng Cương, bà Tang Zhihong, bị sa thải, sau khi bà không trả lời được các câu hỏi cơ bản về dịch virus corona trong lúc tham gia một chương trình truyền hình, khiến cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ.

Nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, những thông báo quyết liệt như vậy của chính quyền vẫn quá ít và quá muộn. Lo ngại của họ gia tăng khi tổng số người chết vì virus corona mới tăng nhanh chóng, tổng số người thiệt mạng tính đến hôm qua là 213 và gần 10.000 người nhiễm. Tất cả ca tử vong, trừ một trường hợp, đều ở Vũ Hán. Trường hợp duy nhất còn lại là ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc.

Nhiều nước rốt ráo

Trong lúc Trung Quốc đang chạy đua kiểm soát dịch, các nước khác cũng đang tìm cách sơ tán công dân khỏi Vũ Hán và ngăn chặn dịch.

Hôm qua, Mỹ nâng cảnh báo công dân lên mức cao nhất: Chớ có đến Trung Quốc.

Giới chức Anh xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona ở nước này. Đức xác nhận trường hợp thứ 5 nhiễm bệnh, đó là một phụ nữ gốc Trung Quốc mới trở về từ Thượng Hải. Ấn Độ cho biết sẽ đưa 400 công dân của họ ra khỏi Vũ Hán. Còn 200 người Hàn Quốc trở về từ Vũ Hán đang vấp phải phản ứng lẫn lộn từ cộng đồng. Tại thành phố Asan, nơi những người trở về được cách ly để theo dõi, một số người giương biển chào đón họ. Nhưng một số người khác lo ngại nhóm người này có thể mang virus nguy hiểm về nước. Sáng sớm qua, một máy bay quân sự của Pháp đưa 200 công dân nước này rời Vũ Hán về nước. Một chuyến bay thuê bao của chính phủ Anh đưa 83 công dân nước này và 27 công dân của quốc gia khác ra khỏi Vũ Hán.

Tại Nhật Bản, 2 công dân nước này trở về từ Vũ Hán kiên quyết không chịu đi khám. “Chúng tôi cố gắng trong nhiều giờ để thuyết phục họ chấp nhận kiểm tra sức khỏe. Nhưng chưa có quy định bắt buộc nào. Đó là điều đáng tiếc”, Thủ tướng Abe Shinzo nói trước quốc hội hôm 30/1. Cư dân mạng Nhật Bản nổi giận, cho rằng 2 người này đẩy cả nước vào nguy hiểm. Một số người gọi họ là những kẻ khủng bố. Trước phản ứng của cộng đồng, chính phủ Nhật bắt đầu đưa ra quy định nhập viện bắt buộc.

Hôm qua, Singapore trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấm tất cả du khách từ Trung Quốc đại lục. Lệnh hoãn cấp visa có hiệu lực ngay lập tức, còn các biện pháp hạn chế đi lại sẽ bắt đầu từ đêm nay.

Tại Mỹ, giới chức nước này ngày 30/1 xác nhận trường hợp lây virus corona từ người sang người đầu tiên. Bệnh nhân là chồng của người phụ nữ vừa trở về từ Vũ Hán. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng Mỹ nên coi dịch bệnh lần này là dịp để các hãng đưa việc làm từ Trung Quốc trở về với Mỹ. Phát biểu của ông trên kênh Fox New bị chê là thiếu nhạy cảm đối với một quốc gia đang gặp khủng hoảng.

Đi bộ ra khỏi Vũ Hán

Vũ Hán gần như đã biến thành thành phố ma. Hầu hết các cửa hàng đóng cửa. Chính quyền hạn chế giao thông. Thiếu phương tiện giao thông khiến các nhân viên y tế và người dân bị ốm khó đến bệnh viện. Nhưng hầu hết người dân nơi đây không ra khỏi nhà vì sợ nhiễm virus. Hôm qua, một số người chọn cách đi bộ qua cây cầu nối hai bờ sông Dương Tử vì không bắt được xe, Reuters đưa tin.

Sông Dương Tử là ranh giới ngăn TP Cửu Giang của tỉnh Giang Tây với TP Hoàng Cương của tỉnh Hồ Bắc, một trong những nơi có dịch nghiêm trọng nhất và đang bị phong tỏa. Việc những người dân đi bộ như vậy làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của biện pháp đóng cửa và hé lộ phần nào cuộc sống trong tâm điểm của dịch bệnh mà WHO gọi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Trong bối cảnh virus corona mới lây toàn cầu, nhiều người Trung Quốc cho biết họ đang đối mặt với sự hoang tưởng và bài xích. Nhiều người gốc Hoa nói rằng họ đang bị coi như mầm bệnh di động. Một phụ nữ người Malaysia gốc Hoa ở London nói với CNN rằng khi lên xe buýt trong tuần này, một người ngồi cạnh chị ngay lập tức đứng dậy và chuyển ra chỗ khác. 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.