THẾ GIỚI 24H: Vị vua cuối cùng của châu Phi trốn khỏi đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Nước nghèo nhưng vua Mswati III lọt vào danh sách "15 nhân vật hoàng gia giàu có nhất thế giới" theo Forbes năm 2009. Ảnh: Classic105.
Nước nghèo nhưng vua Mswati III lọt vào danh sách "15 nhân vật hoàng gia giàu có nhất thế giới" theo Forbes năm 2009. Ảnh: Classic105.
TPO - Vua Mswati III, người đã trị vì Vương quốc Eswatini từ năm 1986, được cho là đã bỏ trốn khỏi đất nước khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trở nên bạo lực.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình là lối sống xa hoa, đắt đỏ của Vua Mswati III, trong khi hầu hết người dân sống trong cảnh nghèo đói. Người biểu tình đã phóng hỏa một số cửa hàng ở thị trấn Matsapha, trung tâm Eswatini. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông đòi dân chủ tại quốc gia từ lâu đã cấm các đảng phái chính trị. Trước đó, vào năm 2019, đất nước này từng rung chuyển bởi một loạt cuộc đình công, sau khi người dân cáo buộc nhà vua rút cạn ngân khố quốc gia để trả phí cho sinh hoạt của mình.Vua Mswati được cho là có 15 người vợ, con số vẫn tương đối “khiêm tốn" so với người tiền nhiệm của ông là 125 vợ.

Bộ Quốc phòng Hà Lan đã cáo buộc các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30 và cường kích cơ Su-24 của Nga đã uy hiếp khinh hạm Evertsen của Hà Lan khi tàu chiến này đi qua Biển Đen hôm 24/6. Bộ này cho rằng các chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện những vụ tấn công giả định nhằm vào tàu chiến Hà Lan, đồng thời gây nhiễu loạn hệ thống thông tin liên lạc trên tàu trong suốt 5 giờ đồng hồ. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho hay tiêm kích cơ Su-30 và cường kích cơ Su-24 đã xuất kích nhằm ngăn chặn một vụ xâm phạm bất hợp pháp của tàu Hải quân Hà Lan, đồng thời khẳng định các máy bay chiến đấu của Nga đã giữ khoảng cách an toàn với con tàu.

Chính phủ Nam Phi đang cân nhắc việc cho phép phụ nữ lấy nhiều chồng. Đề xuất này đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi quyết liệt trong dư luận quốc gia châu Phi này. Là một phần trong nỗ lực cải cách luật Hôn nhân, Bộ Nội vụ Nam Phi đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo bảo thủ cũng như các nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm khác. Theo đó, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng "quyền bình đẳng đòi hỏi đa phu phải được công nhận hợp pháp là một hình thức hôn nhân". Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi Aaron Motsoaledi cho biết các cuộc tranh luận về đề xuất đa phu đã trở thành "khẩu chiến". Ông nói thêm đề xuất này chưa phải quan điểm cuối cùng của chính phủ và vẫn khuyến khích người dân tham gia thảo luận. Hạn chót để người dân tham gia thảo luận về đề xuất đa phu ở Nam Phi là vào ngày 30/6.

Truyền thông Triều Tiên mới đây cho biết địa điểm xây dựng các căn hộ ven sông ở Bình Nhưỡng chính là khu đất từng xây dinh thự cho cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Thông tin này đã được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lại, đưa tin. Hồi tháng 3, Triều Tiên đã công bố kế hoạch xây dựng khoảng 800 căn hộ dọc theo sông Pothong, chảy qua Bình Nhưỡng, để làm “quà tặng” cho người lao động, bao gồm các nhà đổi mới lao động và những người phục vụ xuất sắc trong mọi lĩnh vực, nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà văn”.

Ngày 29/6, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ viện trợ cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan mỗi nước khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ tuần này. Nhật Bản dự kiến sẽ gửi các liều vaccine của hãng dược AstraZeneca Plc (Anh) tới Malaysia và Indonesia vào ngày 1/7 trong khi tới Philippines và Thái Lan lần lượt vào ngày 8/7 và 9/7. Như vậy, đến nay, Nhật Bản đã viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho 6 nước và vùng lãnh thổ.

Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm tạm thời ngư dân nước này đến đánh bắt mực tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 28/6 cho biết các tàu cá của nước này sẽ ngừng đánh bắt mực tại khu vực Tây Nam Đại Tây Dương gần Argentina từ 1/7 cho đến 30/9, và tại Thái Bình Dương từ tháng 9 đến tháng 11. Những khu vực nêu trên vốn nổi tiếng là nơi có lượng lớn hai loài cá mực nổi tiếng là cá mực vây ngắn Argentina và cá mực Humboldt. Lượng cá mực vây ngắn Argentina đã giảm trong những năm gần đây. Khi lượng hải sản ngày càng thuyên giảm, ngư dân Trung Quốc đã di chuyển xa hơn để đánh bắt. Nhưng điều này đã gây tranh cãi.

Hàn Quốc diễn tập chống máy bay không người lái tấn công. Cuộc tập trận được tổ chức ở Seoul ngày 29/6 nhằm chuẩn bị cho quân đội Hàn Quốc sẵn sàng chiến đấu trước bất kỳ một cuộc tấn công nào, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiết bị điều khiển từ xa xuất hiện trên bầu trời thành phố. Toàn bộ sự kiện kéo dài 45 phút, diễn ra ở Tổ hợp Thể thao Seoul trên địa bàn quận Songpa. Ba kịch bản tấn công được thể hiện – máy bay không người lái vận chuyển chất nổ hoặc hóa chất và cả các con tin bị bắt.

Tờ Times of Israel dẫn thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết nước này đang đứng trước nguy cơ phải tiêu hủy gần 800.000 liều vaccine COVID-19 sẽ hết hạn vào tháng 7 tới (khoảng 2 tuần nữa) nếu không tìm được quốc gia nào chịu mua lô vaccine này. Tổng cộng, Israel có khoảng 1,4 triệu liều vaccine sẽ hết hạn vào cuối tháng 7, nhưng nước này hy vọng có thể kịp dùng 600.000 liều trong đó để tiêm chủng cho 300.000 trẻ em độ tuổi 12-15.

Ít nhất 6 người đã tử vong trong vụ chìm tàu ở ngoài khơi đảo Bali. Theo quan chức tại Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đông Java - ông Wayan Suyatna, tàu KMP Yunice chở 41 hành khách và 15 thành viên thủy thủ đoàn đã bị đắm trong hành trình đến cảng Gilimanuk trên đảo Bali. Hiện công tác cứu hộ vẫn đang khẩn trương diễn ra.

Tối 29/6, máy bay quân sự đã đưa những binh sỹ Đức cuối cùng rời Afghanistan, chính thức khép lại sứ mệnh quân sự gây thiệt hại nặng nề nhất về người của Đức kể từ năm 1945 đến nay. Tối 29/6, máy bay vận tải đã đưa khoảng 250 binh sỹ Đức cuối cùng rời doanh trại Marmal thuộc căn cứ Mazar-i-Sharif ở phía Bắc Afghanistan để tới Tbilisi ở Gruzia và từ đây sẽ được chuyển tiếp về Đức.

MỚI - NÓNG