Vụ báo chí SBU thông báo: "Với mục tiêu gây bất ổn tình hình chính trị xã hội ở tỉnh Kirovograd, một nhóm người đã lên kế hoạch tổ chức biểu tình và đụng độ vũ trang với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương". Theo SBU, nhiều người "đã phát tán có hệ thống các tài liệu ly khai và cực đoan," chống lại chính quyền hiện hành và kích động người dân phản đối. SBU cũng thu giữ các tài liệu chuẩn bị sẵn để phát tán với lời kêu gọi lật đổ trật tự hiến pháp và chiếm chính quyền.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này thông qua các cuộc đàm phán giữa Kiev và các khu vực ở miền Đông Ukraine. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Miro Cerar của Slovenia, ông Medvedev bày tỏ: "Liên bang Nga ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, song tất nhiên có tính đến các quyết định đã được thông qua hồi năm ngoái về Crimea".
Ngày 27/7, tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn nguồn cổng thông tin Dagens Nyheter của Thụy Điển cho biết giới chức trách Thụy Điển dự định mua hàng triệu tấn đất đen của Ukraine. Nguồn tin trên còn cho biết Stockholm đang có kế hoạch mua khoảng 50-100 triệu tấn đất. Theo các phương tiện truyền thông Thụy Điển, đất đen dự định mua ở tỉnh Poltava của Ukraine, và sử dụng ở tỉnh Dalarna của Thụy Điển. Thụy Điển đã không chính thức công bố việc mua đất đen từ Ukraine, vì bán đất là vi phạm luật pháp của Ukraine. Đất ở Ukraine chỉ có thể được cho thuê 50 năm để sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 27/7, bắt đầu chuyến công du 4 ngày đến Đông Nam Á và Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên. Phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Anh Cameron khẳng định IS là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Theo ông Cameron, tổ chức khủng bố này chỉ có thể bị đánh bại nếu tất cả các nước trên thế giới cùng đoàn kết, phối hợp trong nước và ngoài nước. Dự kiến, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Anh sẽ đề nghị hỗ trợ hai quốc gia trong khu vực là Indonesia và Malaysia trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của IS.
Bình Nhưỡng cảnh báo Washington rằng nếu xảy ra một cuộc chiến thứ hai trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ chẳng còn người Mỹ nào sống sót để ký văn bản đầu hàng, trong bối cảnh nước này đang kỷ niệm 62 năm kết thúc chiến tranh liên Triều. “Đã qua rồi cái thời Mỹ hăm dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân. Hiện giờ Mỹ không còn là mối đe dọa và nỗi sợ hãi với chúng ta nữa, chúng ta mới là nỗi sợ hãi của họ”, AP dẫn lời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/7 nói trong bài phát biểu trên truyền hình, nhấn mạnh rằng nước này có “quân át chủ bài” là kho vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trước thềm cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phiến quân người Kurd, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã không yêu cầu sự hỗ trợ quân sự đáng kể nào từ NATO trong chiến dịch này. Ông cũng cảnh báo Ankara rằng chiến dịch không kích có thể gây nguy hiểm cho tiến trình được tạo ra trong những năm gần đây nhằm hướng tới một thỏa thuận hòa bình với phiến quân người Kurd.
Nhà chức trách Ấn Độ cho biết cựu tổng thống A. P. J. Kalam, nhà khoa học hàng đầu đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của New Delhi, đã qua đời hôm 27/7 ở tuổi 83. Theo AFP, ông Kalam ngã quỵ khi đang diễn thuyết tại một viện quản lý ở thành phố Shilong, phía đông bắc Ấn. Ông được cấp tốc đưa đến bệnh viện Bethany. Tại đây, các bác sĩ tuyên bố ông đã qua đời. “Chúng tôi cố gắng cứu sống ông ấy nhưng không thể”, John Sailo, nhân viên phụ trách giám sát y khoa tại bệnh viện Bethany, cho biết.
Ngày 27/7, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức chấp thuận Kazakhstan gia nhập tổ chức này, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài gần 2 thập kỷ được coi là khó khăn nhất trong lịch sử WTO. Trong phiên họp tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại hội đồng WTO đã phê chuẩn các điều khoản thành viên của Kazakhstan sau khi các cuộc đàm phán được hoàn tất vào ngày 10/6. WTO hiện có 161 thành viên đầy đủ và đang tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập với 21 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên Xô cũ là Azerbaijan, Belarus và Uzbekistan.
Ngày 27/7, cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (tương đương 94 tỷ USD) cho Hy Lạp đã bắt đầu tại thủ đô Athens. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Mina Andreeva cho biết đại diện của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tới Athens và bước vào cuộc đàm phán cùng đại diện của Chính phủ Hy Lạp. Theo bà Andreeva, quyết định được đưa ra sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua được hai dự luật về những biện pháp cải cách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán châu Á đã chứng kiến làn sóng giảm điểm, trong đó dẫn đầu là sàn giao dịch Thượng Hải, lớn nhất Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường, ngày 27/7 sàn chứng khoán Thượng Hải chứng kiến sự giảm điểm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Chốt phiên giao dịch ngày 27/7, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 8,48% xuống còn 3.725,26 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ tháng 2/2007. Sự sụt giảm này cũng khác với bình thường ở chỗ, thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục ít khi giảm vào phiên giao dịch đầu tuần.