Văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết hai cơ sở điện lực ở khu vực Odessa đã bị máy bay không người lái Shahed-136 tấn công. Theo lực lượng vũ trang Ukraine, 15 máy bay không người lái đã được phóng đi nhằm vào các mục tiêu ở khu vực phía Nam Odessa và Mykolaiv. 10 chiếc đã bị bắn hạ. Ông Serhiy Bratchuk, người phát ngôn của chính quyền khu vực Odessa, cho biết sẽ khôi phục cấp điện cho người dân thành phố trong những ngày tới, còn khôi phục hoàn toàn mạng lưới có thể mất từ hai đến ba tháng.
Ukraine và Pháp thảo luận kế hoạch hoà bình 10 điểm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/12 đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các biện pháp thực hiện công thức kế hoạch hoà bình gồm 10 điểm của Kiev nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Nga tăng sản xuất vũ khí. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, nước này đang tăng cường nỗ lực sản xuất các vũ khí tiên tiến cho quân đội nhằm răn đe các nước phương Tây đang hỗ trợ Ukraine. Viết trên kênh Telegram, cựu Tổng thống Nga Medvedev nhấn mạnh, “kẻ thù” của Moscow không chỉ ở Kiev, mà còn ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số địa điểm khác. “Do đó, chúng tôi đang tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược mạnh nhất, bao gồm cả những thứ dựa trên các nguyên tắc mới”, ông Medvedev cho biết thêm.
Mỹ bác tin khuyến khích Ukraine tấn công lãnh thổ Nga. Trả lời phỏng vấn kênh tin tức ABC hôm 11/12 về việc ông có nghĩ các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine nên tấn công “các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga” hay không, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đáp: “Hãy để các lực lượng vũ trang Ukraine lên tiếng về các hoạt động của họ”. Ông Kirby sau đó nêu rõ: “Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng họ có thể tự bảo vệ lãnh thổ và giành lại các lãnh thổ của mình ở Ukraine”.
Châu Âu thừa nhận đang cạn kiệt kho vũ khí trợ giúp Ukraine. Josep Borrell, lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận, khối này đang cạn kiệt kho dự trữ quân sự khi tiếp tục cung cấp khí tài cho Kiev. Ông Borrell cũng chỉ ra rằng, cuộc xung đột Nga – Ukraine là "lời cảnh tỉnh" cho EU về khả năng quân sự của khối.
Ảrập Xêút cảnh báo đáp trả nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Ảrập Xêút tuyên bố, các nước láng giềng Ảrập của Iran vùng Vịnh sẽ hành động để củng cố an ninh nếu Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Trong một cuộc phỏng vấn trên sân khấu tại Hội nghị Chính sách thế giới ở Abu Dhabi hôm 11/12, Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud nhấn mạnh: "Nếu Iran có một vũ khí hạt nhân hoạt động được, tất cả các thỏa thuận đạt được trước kia đều không được áp dụng nữa... Bạn có thể dự đoán rằng, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ hướng tới cách họ có thể đảm bảo an ninh của chính mình”.
Mỹ tiêu diệt 2 nhân vật chủ chốt của IS ở miền Đông Syria. Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) hôm 11/12 xác nhận một cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng do lực lượng này tiến hành trước đó cùng ngày ở miền Đông Syria đã tiêu diệt 2 nhân vật chủ chốt của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Khoảng 170 cổ động viên bóng đá ở Pháp bị tạm giữ vì bạo loạn. Hôm 11/12, khoảng 170 người đã bị tạm giữ tại Pháp sau các cuộc bạo loạn vì chiến thắng của đội tuyển quốc gia của nước này trong trận tứ kết World Cup ở Qatar. Theo truyền thông địa phương, tại Paris, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 100 người hâm mộ, trong đó khoảng 80 người đã bị tạm giữ. 23 người trong số đó là trẻ vị thành niên. Đụng độ với cảnh sát đã diễn ra ở trung tâm thủ đô sau khi phần lớn cổ động viên hoàn thành màn ăn mừng. Bạo loạn cũng diễn ra ở các thành phố khác của Pháp.
Tro cốt cố lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân được rải xuống biển. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin tro cốt của cố Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã được rải xuống biển ở cửa sông Dương Tử vào hôm nay, 11/12.
Đức từ chối đề nghị chuyển hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Berlin đã từ chối đề xuất của Warsaw về việc cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine thay vì gửi chúng đến Ba Lan. “Đức không có thẩm quyền để quyết định việc này một mình”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức trả lời phỏng vấn đài VOA Mỹ. Đức cho rằng họ không thể tự ý quyết định số phận của hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất vì chúng là một phần trong hệ thống phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).