Tổng thống Petro Poroshenko đã ký ban hành các đạo luật nhằm “ngăn cấm những biểu tượng thời Xô-viết, mở những hồ sơ lưu trữ của các cơ quan đặc vụ dưới thời Xô-viết” và chính thức công nhận vai trò của một nhóm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã “đấu tranh vì nền độc lập của Ukraine hồi giữa thế kỷ 20”. Cùng đó, Chính phủ Ukraine sẽ đổi tên một loạt thành phố được đặt theo tên các nhà lãnh đạo thời Xô-viết trước đây. Tổng cộng 25 thành phố có thể bị thu hồi tên gắn liền với quá trình lịch sử. Mức án tù cho sự vi phạm các đạo luật này là từ 5 đến 10 năm tù. Theo ước tính của các nhà khoa học chính trị, luật mới sẽ ảnh hưởng tới ít nhất là 2 triệu người ở khắp 250 thành phố, thị trấn, làng mạc của Ukraine.
Trước đó, hôm 9/4, Quốc hội Ukraine đã thông qua các đạo luật trên, một động thái củng cố quyết định “không dính líu” tới Nga, nhưng dựng lên viễn cảnh sự chia rẽ ở nước này càng thêm nặng nề.
Phản ứng trước vụ việc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Ukraine Petro Symonenko cho rằng, các đạo luật đã “vi phạm nặng quyền hiến pháp của công dân, mở đường cho những cuộc đàn áp không chỉ với đảng viên cộng sản, mà còn với các tổ chức đối lập tại Ukraine”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga lên án các “đạo luật thảm hại” trên, cho rằng đó là một sự chối bỏ với quá khứ hào hùng của Liên Xô mà Ukraine từng là một thành viên.
Nga sẽ không tham gia tái cơ cấu nợ cho Ukraine. Thứ trưởng Bộ Tài chính Sergei Storchak đã cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, trong tháng 6/2015, Moscow hy vọng Kiev sẽ thực hiện đợt thanh toán nợ tiếp theo.
Nga là một trong những chủ nợ công trái châu Âu của Kiev, nắm số trái phiếu trị giá 3 tỷ USD. Ukraine đã thực hiện thanh toán khoản 73,3 triệu USD hồi tháng 6/2014 và 75,5 triệu trong tháng 12. Tới tháng 3/2015, nợ công nước ngoài của Ukraine đã tăng thêm 2,4 USD, tương đương 8,3% và đạt con số 32,8 tỷ USD. Ngân hàng Quốc gia Ukraine dự báo tổng số nợ của nước này sẽ bằng 93% GDP cả năm, theo Sputnik.
Ngày 16/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Trung Quốc hành động để làm giảm căng thẳng trên biển Hoa Nam (Biển Đông), đồng thời bày tỏ quan ngại về tiến độ cũng như quy mô hoạt động bồi đắp của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp này. Tuyên bố của ông Kerry được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày trong bối cảnh xuất hiện quan ngại an ninh sâu sắc về những tham vọng hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các nỗ lực bồi đắp tăng cường của Trung Quốc xung quanh 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa đã khiến các bên có tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam và Philippines, quan ngại. Ngoài ra, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói Trung Quốc và Mỹ cam kết hoàn tất thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu nhiên liệu phân hạch, theo TTXVN.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ quan điểm cho rằng, các đề xuất của Trung Quốc, trong đó có khái niệm về An ninh châu Á và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng (AIIB) là nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á. Ông Vương Nghị nói: “Chúng tôi luôn tin rằng châu Á cần phải là một khu vực mở và có các bên tham gia. Mỹ là một quốc gia quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chúng tôi hoan nghênh vai trò tích cực, xây dựng của Mỹ trong các vấn đề của khu vực này”. Bình luận trên của ông Vương Nghị được đưa ra khi một nhà báo hỏi về việc có quan điểm cho rằng các đề xuất mới đây của Trung Quốc liên quan tới AIIB là nhằm thách thức vai trò và vị thế của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhằm đẩy Mỹ khỏi châu Á.
Lực lượng Hải quân Pháp và Trung Quốc ngày 16/5 tiến hành một cuộc tập trận chung ở vùng biển Hoa Đông nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa 2 bên. Tham gia cuộc tập trận có vài trăm lính hải quân của Pháp và Trung Quốc. Phía Pháp đang mang đến đây tàu tập kích Dixmude, tàu khu trục do thám loại nhỏ Aconit và máy bay trực thăng đáp trên tàu biển. Cuộc tập trận kéo dài 3 tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết mưa và biển động. Tuy nhiên, quan chức quân đội Trung Quốc cho rằng điều này đã làm tăng cường khả năng phối hợp và điều phối giữa hải quân 2 nước.
Ngày 16/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abu Sayyaf, một thủ lĩnh cấp cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bắt giữ vợ tên này ở miền Đông Syria. Abu Sayyaf là kẻ trực tiếp điều hành các chiến dịch quân sự và buôn bán dầu mỏ cho nhóm khủng bố IS và “tên này đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch khi hắn đụng độ với các lực lượng Mỹ”. Cùng ngày, kênh truyền hình chính thức của Syria đưa tin trong chiến dịch quân sự tại tỉnh Deir al-Zour, các lực lượng chính phủ đã tiêu diệt khoảng 40 phiến quân IS, trong đó có một chỉ huy phụ trách việc buôn bán dầu mỏ.
Nhà Trắng ngày 16/5 cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố rằng Washington sẽ cung cấp các loại vũ khí một cách “liên tục và hiệu quả” cho Iraq. Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: “Phó Tổng thống đã đảm bảo với Thủ tướng Iraq về sự hỗ trợ an ninh không ngừng và hiệu quả của Mỹ để đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng,” trong đó có việc cung cấp các khí tài hạng nặng, đạn dược và hậu cần cho các lực lượng của Iraq.
Ủy ban chống phân biệt chủng tộc của Liên hiệp quốc ngày 16/5 đã yêu cầu Chính phủ Đức quyết liệt hơn trong việc đối phó, ngăn chặn các vụ tấn công bài ngoại và những khẩu hiệu thù địch nhằm vào người nước ngoài tại Đức. Đây là tuyên bố được đưa ra sau khi Ủy ban hoàn tất việc xem xét kết quả thực hiện Công ước chống phân biệt chủng tộc của Đức trong thời gian gần đây. Cơ quan này cũng bày tỏ hết sức quan ngại trước sự gia tăng và lan rộng của tư tưởng phân biệt chủng tộc thông qua chính các phong trào chính trị và cả một số đảng phái tại Đức, đồng thời cho rằng Đức đang thiếu các biện pháp hiệu quả để kiểm soát và ngăn chặn xu hướng bài ngoại đang diễn ra.
Thái Lan đã phát hiện hơn 100 người nhập cư trên một hòn đảo ở miền Nam nước này song vẫn còn hàng nghìn người khác đang lênh đênh trên vùng biển ở khu vực Đông Nam Á. Tỉnh trưởng tỉnh Phang Nga, ông Prayoon Rattanasenee cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu những người này lên đảo bằng cách nào. Phần lớn những người này là đàn ông song cũng có cả phụ nữ và trẻ em. Hiện các cơ quan chức năng Thái Lan đang nỗ lực xác định liệu họ có phải là nạn nhân của nạn buôn người hay không.
Ít nhất 8 người thiệt mạng và 35 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết tại một trạm xe buýt ở phía Đông Bắc Nigeria hôm 16/5. Nguồn tin nhân chứng cho biết, vào khoảng 11 giờ trưa, họ nhìn thấy một bé gái chừng 12 tuổi, đeo mạng che mặt tiến đến đám đông. Đến đúng nơi có đông hành khách và người buôn bán nhất, cô bé đã cho phát nổ một quả bom giấu trong người.
Hậu quả là kẻ tấn công và 7 người khác chết tại chỗ. Trong số những người bị thương có nhiều phụ nữ và trẻ em đang bán hàng. Hiện chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, song giới chức Nigeria không loại trừ khả năng nhóm phiến quân Boko Haram đứng đằng sau vụ việc. Bởi nhóm nổi dậy này thường có cách thức tấn công bằng bom tự chế và chuyên dùng phụ nữ, trẻ em làm “trái bom sống” để thực hiện các vụ tấn công khủng bố.