THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên thả tự do 3 công dân Mỹ

THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên thả tự do 3 công dân Mỹ
TPO - Triều Tiên ngày 9/5 đã trả tự do cho 3 công dân Mỹ. Các ông Kim Hak-song, Tony Kim và Kim Dong-chul bị giam vào các trại cải tạo do các hoạt động chống nhà nước Triều Tiên.

Đây được coi là động thái tích cực mới nhất của Bình Nhưỡng để thể hiện thiện chí trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Tôi vui mừng thông báo cho các bạn rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang trên máy bay từ Triều Tiên trở về Mỹ với 3 quý ông tuyệt vời mà mọi người đều mong đợi được gặp. Sức khỏe họ có vẻ tốt.” Ông Kim Dong Chul là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn, bị Triều Tiên bắt giữ tại Khu Kinh tế Rajin-Sonbong từ ngày 2/10/2015 với cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc. Ông Kim Sang Duk bị bắt vào ngày 21/4/2017 vì các “hành vi thù địch” chống đối chính quyền Triều Tiên, song không rõ hành vi cụ thể là gì. Ông Kim Hak-song, người Mỹ gốc Hàn, cũng bị Triều Tiên bắt giữ vào ngày 7/5/2017 vì bị cáo buộc có “các hành vi thù địch”.


Ngày 9/5, Nga tổ chức buổi diễu hành quân sự Ngày Chiến thắng, đánh dấu kỷ niệm 73 năm chiến thắng Phát xít (1945-2018). Buổi diễu hành quân sự được tổ chức tại Quảng trường Đỏ của Mát-xcơ-va để đánh dấu kỷ niệm 73 năm ngày chiến thắng của Liên Xô đối với Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945 của nước Nga. Hơn 13.000 binh sĩ, 159 hệ thống vũ khí và 75 máy bay đã tham gia sự kiện này.


Lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử. Với kết quả được công bố ngay rạng sáng 10/5, dù số phiếu chưa được kiểm hết nhưng Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giành đủ 113 ghế tại Hạ viện qua đó có quyền thành lập chính phủ mới. Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia của Thủ tướng Najib chỉ giành được gần 80 ghế, kém xa con số của họ ở kỳ bẩu cử lần trước. Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) chỉ giành được 18 ghế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu giành tới 40 ghế của họ.


Một chiến dịch ám sát đẫm máu đang nhắm vào các chính trị gia tham gia cuộc bầu cử sắp tới ở Mexico, theo Channel News Asia. Một ứng cử viên cho cơ quan lập pháp tiểu bang Guerrero vừa bị bắn chết hôm thứ Ba 8-5. Người này được xác nhận là đang chạy đua vào Đảng Cách mạng thể chế (PRI). Chỉ trong vòng 10 ngày đã có sáu chính khách thiệt mạng. Đã có hàng chục ứng cử viên bị ám sát kể từ khi mùa bầu cử bắt đầu hồi tháng 9-2017. Cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 1-7 tới. An ninh công cộng là một vấn đề nhức nhối của Mexico khi nước này ghi nhận hơn 25.000 vụ giết người vào năm ngoái.


Quá giận dữ trước việc Mỹ tuyên bố sẽ tái áp dụng trừng phạt lên Iran, các nhà lập pháp nước này đã đốt một tờ giấy có in hình quốc kỳ Mỹ và hô vang “'Death to America” (Nước Mỹ chết đi) ngay tại phiên họp Quốc hội. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các nghị sĩ Iran có hành vi manh động và quan điểm phản ứng gay gắt trước các lệnh trừng phạt của Mỹ song rất hiếm khi thấy họ đốt một cái gì đó trong Hội đồng Tư vấn Hồi giáo. Một số thành viên trong Quốc hội Iran đã cùng nhau đốt cháy tờ giấy in hình cờ Mỹ cùng với một bản tài liệu tượng trưng cho thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhằm phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.


Thượng viện Anh ngày 8/5 đã bỏ phiếu thông qua một số nội dung sửa đổi, bổ sung đối với Dự luật rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Với 245 phiếu thuận và 218 phiếu chống, Thượng viện Anh thông qua điều khoản nhằm giữ Anh ở lại Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) bất chấp sự phản đối từ phía chính phủ, cũng như Công đảng. Các quan chức Chính phủ Anh cảnh báo rằng việc ở lại EEA sẽ không mang lại cho nước Anh quyền kiểm soát biên giới hay luật pháp cho nước này. Cùng ngày, với 311 phiếu thuận và 233 phiếu chống, các nghị sĩ Thượng viện Anh đã nhất trí loại bỏ việc ấn định thời gian cụ thể Anh rời EU (vào ngày 29-3-2019) ra khỏi dự luật nêu trên. Thượng viện cũng thông qua điểm sửa đổi cho phép Anh tiếp tục làm thành viên của các cơ quan EU.


Chủ nhà Nga cũng như Argentina đang xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm ngăn chặn và kiểm soát khoảng 3.000 holigan Argentina tại World Cup 2018. Chính phủ Argentina và Nga đạt được thỏa thuận hợp tác nhằm ngăn chặn những cổ động viên quá khích tới gây rối tại World Cup 2018. Thỏa thuận sẽ chính thức được ký trong những ngày tới, bao gồm việc cung cấp thông tin về những holigan Argentina bị cấm vào sân ở trong nước, cũng như những CĐV có tiền sử gây rối.


Theo Reuters, ngày 9/5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran để đảm bảo Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: “Chúng tôi quyết tâm 100% trong việc đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Iran. Các lệnh trừng phạt trước thời điểm ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được khôi phục. Bên cạnh đó, chúng tôi chuẩn bị đưa ra những biện pháp trừng phạt mới, sớm nhất là vào tuần sau”. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Iran Mohammad Baqer Nobakht cho biết Tehran đã soạn thảo một kế hoạch để đối phó với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.


Ngày 9/5 Cộng hòa Séc, Ba Lan và Áo lên tiếng ủng hộ mục tiêu của thỏa thuận hạt nhân với Iran cho dù Mỹ đơn phương tuyên bố sẽ rút trước đó. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/5, Bộ ngoại giao Séc cho biết Cộng hòa Séc coi thỏa thuận mà nhóm P5+1 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức ký với Iran năm 2015 là một công cụ quan trọng nhằm làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa tại khu vực Trung Đông. Vì vậy, tuyên bố cho hay Cộng hòa Séc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy công cụ quan trọng này thông qua việc hợp tác với các đối tác. Còn cố vấn cao cấp của Tổng thống Ba Lan, ông Krzysztof Szczerski nói rằng, không ai ở châu Âu hay Mỹ đều muốn Iran phát triển công nghệ hạt nhân, mà thay vào đó tất cả đều mong muốn một khu vực Trung Đông không có vũ khí giết người này.


Vợ Chủ tịch Hãng hàng không Korean Air đã bị cấm rời khỏi Hàn Quốc trong lúc bị điều tra vì cáo buộc phỉ báng và hành hung nhân viên. Cảnh sát nước này cho hay, họ sẽ ra lệnh triệu tập và thẩm vấn bà Lee Myung-hee, vợ của Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho. Theo báo cáo, bà Lee đã nhục mạ và hành hung các công nhân xây dựng tham gia tu sửa một trong những khách sạn tại Incheon thuộc tập đoàn gia đình vào tháng 5-2014. Ngoài ra bà Lee cũng bị cáo buộc có hành vi la hét, chửi bới, tát và đá lái xe cùng các công nhân khác của Hanjin, một công ty thuộc Korean Air.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG