THẾ GIỚI 24H: Toàn bộ 5 thành viên trên tàu lặn Titan đã thiệt mạng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Lực lượng Tuần duyên Mỹ, những mảnh vỡ được phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy tàu lặn Titan bị mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic đã phải hứng chịu áp lực “thảm khốc".

Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) ngày 22/6 nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp". Chuẩn Đô đốc John Mauger - Tư lệnh Vùng 1 của USCG - chia sẻ: “Theo quyết định này, chúng tôi lập tức thông báo cho các gia đình (của những nạn nhân trên tàu lặn Titan). Thay mặt Lực lượng Tuần duyên Mỹ và toàn thể Bộ Chỉ huy liên hợp, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình". Ocean Gate - công ty sở hữu tàu lặn Titan - ra tuyên bố xác nhận: “Hiện nay, chúng tôi cho rằng Giám đốc điều hành Stockton Rush của chúng tôi, Shahzada Dawood và con trai của ông - Suleman Dawood, Hamish Harding và Paul-Henri Nargeolet đáng tiếc là đều đã thiệt mạng… Chúng tôi hết sức đau buồn trước sự ra đi (của các nạn nhân)". Cũng trong ngày 22/6, Ngoại trưởng Anh James Cleverly tuyên bố chính phủ nước này sẽ hỗ trợ gia đình của các nạn nhân gặp nạn trên tàu Titan, đồng thời bày tỏ lời chia buồn sâu sắc.


Tổng thống Pháp muốn dự thượng đỉnh BRICS, Nga nói "không phù hợp". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS sẽ là "không phù hợp". Hôm 22/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov giải thích, phản đối của Nga đối với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dựa trên những nỗ lực của Paris nhằm cô lập Moscow. Đồng thời, ông cho rằng sự ủng hộ của Pháp đối với mục tiêu của NATO là nhằm gây ra “thất bại chiến lược” cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine.


Mỹ tạm ngừng tiến trình hòa đàm giải quyết cuộc xung đột ở Sudan. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Molly Phee ngày 22/6 thông báo Washington đã tạm ngừng tiến trình đàm phán liên quan tới cuộc xung đột ở Sudan do định dạng hiện nay không đạt được thành công theo cách mà Mỹ mong muốn.


Bi kịch lật thuyền di cư Hy Lạp, ít nhất 209 người Pakistan đã ở trên tàu. Ngày 22/6, Cơ quan điều tra Pakistan thông báo, ít nhất 209 người dân nước này đã ở trên một chiếc thuyền quá tải bị lật và chìm ngoài khơi Hy Lạp vào tuần trước. Cơ quan Điều tra Liên bang (FIA) cho biết con số 209 dựa trên thông tin do các gia đình cung cấp về việc người thân đã lên thuyền đi từ Libya tới Hy Lạp và vẫn đang mất tích. Số người chết chính thức do vụ tai nạn là 82 và số người sống sót là 104, trong đó có 12 người Pakistan.


Tổng thống Ukraine ký luật cấm nhập khẩu sách từ Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu thương mại sách từ Nga vào ngày 22/6. Đây là động thái mới nhất nhằm làm giảm mối quan hệ văn hóa giữa hai nước sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Văn phòng của Tổng thống Zelensky cho biết trên Twitter rằng luật này sẽ tăng cường bảo vệ không gian thông tin và văn hóa Ukraine khỏi các hành động tuyên truyền chống Ukraine do Nga thực hiện.


Ukraine, G7 họp bàn về sáng kiến hòa bình cho cuộc xung đột với Nga. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak ngày 22/6 đã gặp Đại sứ các nước thuộc G7 và sáu quốc gia khác để thảo luận về sáng kiến hòa bình cho cuộc xung đột với Nga. Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận: "Chánh văn phòng Yermak đã gặp các Đại sứ của G7, EU, Brazil, Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của cuộc gặp là thảo luận các bước tiếp theo trong bối cảnh thực hiện sáng kiến của Ukraine nhằm khôi phục hòa bình bền vững và công bằng".


Nga: Ukraine bắn phá cầu nối Crimea với Kherson. Ngày 22/6, Ủy ban Điều tra Nga cho biết, các lực lượng Ukraine đã phóng bốn tên lửa vào cầu Chonhar nối bán đảo Crimea với các phần lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Kherson. Khu vực gọi này là một trong số ít điểm liên kết giữa Crimea với đất liền Ukraine. Trước đó, các quan chức thân Nga cho biết tên lửa Ukraine đã tấn công cầu này, làm gián đoạn giao thông và buộc các phương tiện phải chuyển hướng.


Indonesia dời địa điểm diễn tập quân sự ASEAN. Ngày 22/6, người phát ngôn quân đội Indonesia Julius Widjojono cho biết tập trận từ ngày 18/9-25/9 sẽ được chuyển tới trong và xung quanh đảo Batam ở cửa eo biển Malacca, biển Nam Natuna thuộc Indonesia. Ông nêu rõ: “Cuộc tập trận này không tập trung vào chiến đấu, vì vậy sẽ phù hợp với khu vực có sự tiếp xúc trực tiếp với người dân”. Trước đó, ngày 7/6, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ASEAN lần thứ 20 (ACDFM-20) tại Bali, Indonesia, tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN đồng ý sẽ tập trận chung vào tháng Chín gần quần đảo Natuna, phía Nam Biển Đông.


Ukraine tố Nga sắp tấn công nhà máy Zaporizhzhia, Moscow nói đó là lời "dối trá". Tổng thống Ukraine tố Nga âm mưu tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gây rò rỉ phóng xạ, song Moscow lập tức bác bỏ và nói rằng đó là lời dối trá. Ngày 22/6, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết các điệp viên Ukraine đã nhận được thông tin rằng Nga đang cân nhắc tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia) gây rò rỉ phóng xạ, hãng Reuters đưa tin. Ngay sau đó, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của ông Zelensky, tuyên bố rằng cáo buộc của Kiev là "dối trá", đồng thời cho biết một nhóm thanh sát viên hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến nhà máy và đánh giá cao mọi thứ.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.