Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/11 thông báo nước này đã trục xuất 2 phiến quân IS, một người quốc tịch Đức và một người quốc tịch Mỹ - bắt đầu một chương trình hồi hương các đối tượng gây ra xích mích với các đồng minh NATO.Theo hãng tin TRT Haber, số tù nhân trên đang được giam giữ trong các nhà tù hoặc trung tâm di trú của Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn quốc gia Anadolu dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Catakli tuyên bố nước này đã trục xuất 1 tay súng thánh chiến người Mỹ; trong khi 7 tay súng người Đức sẽ bị trục xuất vào ngày 14/11.
Nhật Bản vừa tặng cho Philippines một tàu tuần tra tốc độ cao nhằm giúp đẩy mạnh các chiến dịch chống khủng bố. Theo đài truyền hình NHK (Nhật Bản), tàu tuần tra này có chiều dài 15m và là một trong các tàu nhanh nhất của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Phát biểu tại lễ bàn giao ở trụ sở Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines ở Manila ngày 11/11, ông Nakata Masahiro, quan chức Đại sứ quán Nhật Bản ở Philippines, cho biết Philippines là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong các nỗ lực đạt được một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Một đoàn xe quân sự của Mỹ đã được nhìn thấy rời khỏi miền Đông Syria vào ngày 10/11 để đến tỉnh Aleppo và Al-Raqqa ở phía Bắc nước này. Theo các nguồn tin địa phương, đoàn xe của quân đội Mỹ bao gồm 172 chiếc, trong đó có cả xe tăng và một số xe chở quân nhân Mỹ, đã được nhìn thấy đang đi đến các tỉnh ở miền Bắc Syria, nơi họ có thể sẽ được triển khai đến các căn cứ ở Al-Raqqa và phía Bắc Aleppo.
Ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này không xem xét hoãn việc chấm dứt Hiệp định Đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) sắp hết hạn với Nhật Bản. Chính phủ nước này “chỉ xem xét các biện pháp khác khi Nhật Bản gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu và quan hệ Hàn - Nhật được khôi phục”.
Quân đội Ukraine cho biết lực lượng này đã hoàn thành việc rút khỏi Petrovsk vào trưa 11/11 và các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ xác nhận kết quả này. Đây là đợt rút quân cuối cùng theo thỏa thuận thí điểm từ tháng 9/2016 để thảo luận các bước đi tiếp theo nhằm giải quyết xung đột ở khu vực Donbass.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 11/11 xác nhận Iran đã bắt đầu làm giàu urani tại cơ sở ngầm Fordow, đây là vi phạm mới nhất đối với thỏa thuận giữa Tehran với các cường quốc lớn. IAEA nói thêm rằng kho dự trữ urani đã được làm giàu của Iran đang tiếp tục tăng thêm.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/11 đã tái khẳng định rằng nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát các mỏ dầu ở Syria là bất hợp pháp và chẳng khác gì hành động “ăn cướp.” Ông nhấn mạnh những nỗ lực như vậy chỉ cản trở một giải pháp chính trị rất cần thiết ở nước này.
Ngày 11/11, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Ngoại trưởng ba nước Pháp, Đức, Anh đã cùng kêu gọi Iran tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký với các cường quốc năm 2015 hoặc sẽ phải đối mặt với các hành động trong đó có thể bao gồm những biện pháp trừng phạt. Cùng với ba quốc gia châu Âu, bà Mogherini đã bày tỏ lo ngại trước quyết định của Iran về việc nước này tiếp tục làm giàu uranium cấp độ thấp tại nhà máy hạt nhân Fordow dưới lòng đất vào tuần trước và nói rằng hành động của Tehran là không phù hợp với thỏa thuận JCPOA.
Ngày 11/11, Bình Nhưỡng đã lên tiếng cáo buộc sự thù địch của Mỹ và Hàn Quốc đã ngăn cản tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Triều Tiên Kim Song nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đã không tiến hành bất kỳ một vụ thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào trong vòng hơn 20 tháng qua. “Đây là biểu hiện rõ ràng nhất về thiện chí chân thành và sự kiềm chế của Triều Tiên để đáp ứng mong muốn chung của cộng đồng quốc tế về hòa bình và ổn định trên Bán đảo.”