Hassan Hassan, một chuyên gia nghiên cứu về IS tại Trung tâm chính sách toàn cầu, nói rằng IS sẽ hưởng lợi từ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
“SDF (liên minh đa sắc tộc và đa tôn giáo ở Syria với số đông là người Kurd chủ yếu) thu thập được thông tin tình báo về những người đã tham gia IS và cấu trúc của IS. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào và không có những thông tin như vậy”, ông Hassan nói.
“Những khu vực ở Syria đang nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đầy rẫy tham nhũng, tham nhũng hơn bất kỳ chính quyền nào từng quản lý khu vực này. IS sẽ không ngần ngại chi tiền để được thoát thân. Vì thế, IS chắc chắn sẽ có cơ hội mới”, ông nói.
SDF, lực lượng từng được Mỹ hậu thuẫn, đang là mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ kéo vào miền bắc Syria, những lực lượng đi theo Tổng thống Syria Bashas al-Assad cũng đang di chuyển xuống miền nam đến khu vực do người Kurd kiểm soát, khiến SDF bị kẹt giữa hai quân.
SDF nói rằng họ đã rút binh lính của họ khỏi các nhà tù và trại giam IS để tập trung đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại các phần tử IS sẽ tìm cách giải thoát cho đồng bọn trong tù.
Ít nước muốn nhận về
Những tay súng IS và gia đình họ, bao gồm nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới, đang bị lực lượng người Kurd giam giữ.
Mỹ kêu gọi các nước nhận lại công dân của mình và cáo buộc châu Âu không làm như vậy.
Các tù nhân IS đang bị giam giữ trong nhiều trại ở miền bắc Syria.
Al-Hol đang là trại đông nhất, với khoảng 70.000 người. Hơn 90% trong số đó là phụ nữ và trẻ em, và 11.000 người trong số đó là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, khoảng 12.000 tay súng tình nghi thuộc đang bị giam tại 7 nhà tù ở đông bắc Syria, trong số đó có khoảng 4.000 người là người nước ngoài (không phải người Syria hay Iraq), theo tổ chức Quan sát Nhân quyền trụ sở tại Anh.
Một báo cáo của chính phủ Mỹ đưa ra vào tháng 8 vừa qua cho biết chỉ có 2.000 tay súng nước ngoài đang bị giam ở miền bắc Syria, đến từ 50 quốc gia. Trong số đó, 800 người đến từ các nước châu Âu, số còn lại từ Trung Đông, Bắc Phi và châu Á.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu cựu đoan quốc tế tại ĐH King (Anh) ước tính hơn 41.000 người nước ngoài đã tham gia lực lượng của IS tại Iraq và Syria từ tháng 4/2013-6/2018.
Liên Hợp quốc kêu gọi các nước phải có trách nhiệm với công dân của mình và nhận lại những người không bị buộc tội. Nhưng nhiều nước không muốn làm như vậy vì lo ngại dư luận và những thách thức pháp lý khi phải xử lý những công dân từng là thành viên IS.
Theo Tổ chức quan sát nhân quyền, mới có hơn 1.200 người nước ngoài, chủ yếu là trẻ em, được hồi hương về Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Russia, Kosovo, và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia khác nhận về không đáng kể:
- Pháp: 18 trẻ em
- Mỹ: 16 người lớn và trẻ em
- Đức: dưới 10 người
- Úc: 8 trẻ em
- Thụy Điển: 7 trẻ em
- Na Uy: 5 trẻ em
Trong một số trường hợp, công dân nước ngoài bị chuyển đến xét xử ở Iraq. Đầu năm nay, 4 người Pháp bị kết án tử hình ở Iraq trong một quy trình tố tụng bị chỉ trích nặng nề.
Một số chính phủ nước ngoài tước quốc tịch để ngăn họ trở về, như trong trường hợp của Shamima Begum, đến từ Anh, đang bị giam trong một trại ở Syria.
Nhưng một số người nước ngoài từng tham gia IS có thể được về nhà trước khi tổ chức này tan rã. Trung tâm nghiên cứu của ĐH King ước tính khoảng 7.000-8.000 người đã làm như vậy. Đó là những người tự nguyện trở về hoặc được về theo chương trình hồi hương do chính phủ tạo điều kiện.
Joanna Cook và Gina Vale, hai nhà nghiên cứu thuộc ĐH King, nói rằng nhiều chính phủ muốn nhận lại trẻ em, đặc biệt là những em bé mồ côi, hơn là những người trưởng thành đang bị giam giữ.